Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó khăn do chuỗi cung ứng đứt gãy: Doanh nghiệp cần chung lưng đấu cật

Ánh Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến hàng loạt DN lâm vào cảnh triền miên khó khăn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trước mắt phải có giải pháp hỗ trợ DN kịp thời để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch an toàn vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Về lâu dài, phải xây dựng chiến lược mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu để tránh rủi ro trước mọi biến động của thế giới.

Khó khăn bủa vây

Trong những ngày qua, nhiều tỉnh, thành phố đã và đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện Chỉ thị, các DN gặp không ít khó khăn, như thiếu hụt nguồn cung ứng sản xuất (nguyên liệu đầu vào). Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

- Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đang ảnh hưởng đến tất cả các phương diện. Riêng với nền kinh tế, có một tồn tại lớn chưa có cách giải quyết là hiện nay nhiều cảng, chẳng hạn như cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) đang bị ứ đọng container do chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Đây là khó khăn lớn nếu không được tháo gỡ sớm sẽ trở thành vấn đề của cả quốc gia. Vì không chỉ đơn thuần là phân phối hàng hóa từ cảng đi mà còn ảnh hưởng đến việc xuất nhập khẩu đang dựa vào lưu trữ hàng hóa tại các cảng biển. Nếu các cảng biển không thể nhập được hàng cũng như không thể xuất được hàng đi thì xuất nhập khẩu không tránh khỏi bị ảnh hưởng nặng nề.
 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.
Đối với các DN, việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các DN đáp ứng được “3 tại chỗ” (tạm trú, nghỉ ngơi, làm việc ở chỗ). Song đây là vấn đề lớn đối với phần đông DN không thể đáp ứng được. Nhất là các DN các khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, không ít DN đã phải ngừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu và cáng đáng chi phí thực hiện “3 tại chỗ” .

Vậy theo ông đâu là giải pháp tháo gỡ khó khăn tình thế hiện nay?

- Do tính chất đặc thù của hoạt động tại cảng biển nói chung, tôi cho rằng Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương có cảng biển xem xét phương án khi có ca nhiễm Covid-19 thì một mặt cách ly những đối tượng liên quan, mặt khác vẫn cho phép cảng hoạt động nhằm đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ đã đặt ra “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cần kiến nghị Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn xem xét giảm giá lưu container, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng Cát Lái của các DN đang bị dừng sản xuất do tác động của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Chính phủ giao các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương có cảng biển ưu tiên tiêm vaccine chống dịch Covid-19 cho những người công tác tại cảng, kể cả các nhân viên giao nhận, lái xe.

Thành lập Tổ hợp tín dụng cứu doanh nghiệp

Vậy theo ông đâu là giải pháp thiết thực để hỗ trợ DN vừa và nhỏ thời điểm này?

- Theo tôi, cần thiết phải thành lập một Tổ hợp tín dụng. Tổ hợp tín dụng này bao gồm tất cả ngân hàng tham gia chứ không đơn thuần là Chỉ thị kêu gọi các ngân hàng hỗ trợ DN. Thực tế trước đó thực hiện Chỉ thị kêu gọi của Chính phủ, nhiều ngân hàng đã có phương án đáp ứng nguồn vốn vay cho DN, nhưng các ngân hàng cũng phải đảm bảo quyền lợi của họ (cho vay an toàn, cho vay đối với những khách hàng có khả năng trả nợ), không thể cho vay dàn trải. Nếu ngân hàng làm như thế thì dòng vốn tín dụng vào nền kinh tế rất hạn chế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang bị tác động bởi dịch bệnh như hiện nay, sức khỏe của các DN đang bị suy yếu.

Vì thế cần thiết phải lập Tổ hợp tín dụng, tất cả các ngân hàng tham gia vào đó và hạn mức tín dụng phải thấp nhất là 300.000 tỷ đồng. Khoản đóng góp vào Tổ hợp tín dụng này tương đương 3% số tổng dư nợ của mỗi ngân hàng. Đồng thời, tổ hợp đó có quy chế loại DN nào, với tiêu chí nào, cho vay thời hạn từ 2 - 5 năm, cho vay tuần hoàn lãi suất 3 - 5%.

Đâu là cơ sở để bảo lãnh quyền lợi khi các ngân hàng tham gia vào Tổ hợp tín dụng này, thưa ông?

- Hiện nay, điểm mấu chốt của các DN vừa và nhỏ là không thể vay thế chấp mà phải vay tín chấp do DN đã kiệt quệ, không còn tài sản đảm bảo. Song nếu cho vay tín chấp thì lại gây rủi ro cho ngân hàng, nên tôi cho rằng Chính phủ cần xây dựng Quỹ bảo lãnh tín dụng của Quốc gia với số vốn điều lệ  khoảng 30.000 tỷ đồng và được phép bảo lãnh gấp 10 lần vốn điều lệ. Tức là có thể bảo lãnh tổng dư nợ cho vay 300.000 tỷ đồng cho Tổ hợp tín dụng. Vì hiện chúng ta đã có Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương theo Nghị định 34 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo quyết định này Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương (tỉnh, TP) với vốn điều lệ chỉ khoảng 100 tỷ đồng và không được phép bảo lãnh gấp 3 lần tức là bảo lãnh tới hơn 300 tỷ đồng. Như vậy, chỉ có bằng cách này, các DN vừa và nhỏ mới được hỗ trợ kịp thời.
Doanh nghiệp liên kết lại

Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể còn kéo dài. Ông có lời khuyên nào cho các DN Việt Nam?

- Chúng ta có thể thấy rằng, dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng. Tới thời điểm này, dưới con mắt kinh tế, tôi nghĩ là chúng ta chưa biết bao giờ mới kiểm soát được dịch bệnh. Từ nay tới cuối năm, chúng ta chỉ còn lại hơn 4 tháng nữa, nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài thì rất nguy hiểm cho nền kinh tế.

Theo đó, tôi cho rằng ở thời điểm này DN hãy chung sức lại với nhau. Nếu 1 DN không trụ được thì liên kết với 5 DN để gỡ khó cho nhau, nếu 5 DN không đủ thì liên kết với 10, thậm chí là 100… Để lấy thế mạnh của DN này hỗ trợ cho DN kia và ngược lại. Tiếp đến là các Hiệp hội DN vừa và nhỏ, Hiệp hội Ngân hàng, các nhà nghiên cứu chính sách… để cùng nhau đưa ra sáng kiến, tổng hợp nguồn lực từ tài chính, tinh thần, văn hóa… để chiến thắng dịch bệnh.

Thời điểm này, các DN công nghiệp hỗ trợ đang chịu tác động mạnh nhất do đứt gãy nguồn cung nguyên liệu đầu vào. Vậy, theo ông, các DN cần phải thay đổi như thế nào để phù hợp với bối cảnh hiện tại?

- Hiện nay, tất cả hàng xuất khẩu của Việt Nam có tới 80% ngành hàng sử dụng nguyên vật liệu đầu vào nhập từ nước ngoài, chỉ có khoảng 20% là hàng hóa nội địa. Chính vì thế DN công nghiệp phụ trợ đang phụ thuộc rất lớn vào một số thị trường, đặc biệt là Trung Quốc. Việc quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi nước này cũng đang gặp khó khăn về chuỗi cung ứng, là một rủi ro rất lớn với ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Tôi cho rằng, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng ta phải cần thiết có một chiến lược mới liên quan tới công nghiệp hỗ trợ…

Qua dịch bệnh này chúng ta đã rút ra được một bài học to lớn, đó là phải đa dạng hóa thị trường nhập khẩu. Hiện tại chúng ta đang có một cơ hội rất lớn từ việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do như: CPTPP, EVFTA, RCEP… để mở rộng thị trường nhập khẩu. Như vậy mới có thể tránh việc bị lệ thuộc, tập trung quá lớn vào một thị trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

"Theo tôi chỉ khi nào tối thiểu 70% số người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine mới tạo được hệ miễn dịch cộng đồng để chặn đứng dịch Covid-19. Mặc dù Chính phủ dù đã đặt ra mục tiêu đến Quý I/2022 sẽ tạo miễn dịch cộng đồng, song để đạt mục tiêu này cũng còn rất nhiều thách thức. Từ nay tới cuối năm, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ làm suy kiệt “sức khỏe” của DN. Để có thể chống chọi lại việc này, Chính phủ cần nhập vaccine thật nhanh và xã hội hóa việc nhập vaccine. Tuy nhiên khâu phân phối phải do Chính phủ điều hành. Bởi, nếu thả lỏng việc phân phối thì sẽ không tránh khỏi việc DN có tiềm lực tài chính, người giàu họ sẽ chọn vaccine họ cho là tốt và loại bỏ các vaccine khác." - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu