Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó khăn tứ bề bủa vây doanh nghiệp

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khó tiếp cận vốn, thị trường xuất khẩu thu hẹp, đơn hàng sụt giảm... là những khó khăn khiến nhiều DN phải đau đầu tìm cách đối phó. Ngoài sự nỗ lực của DN, các chính sách sát thực hỗ trợ là điều mà DN rất cần trong bối cảnh hiện nay.

Kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn

3 tháng năm 2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Vì thế, khả năng suy thoái, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo thấp hơn năm 2022 khoảng 0,5 - 1% nếu không xảy ra yếu tố đột biến. Lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ - lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023. Giá năng lượng vẫn có thể biến động do xung đột tại Ukraina và sự phục hồi khá mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.

Gần đây nhất, khó khăn của nhiều ngân hàng trên thế giới, của các của các Ngân hàng ở châu Âu, điển hình là sự sụp đổ của một số Ngân hàng của châu Âu và Mỹ nếu kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam... Những xu hướng này sẽ làm giảm sức cầu hàng hóa và ảnh hưởng đến đầu tư mới, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.

Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 ước tính tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%; khu vực dịch vụ tăng 7,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,05%).

Tăng trưởng quý I năm nay tuy thấp hơn mức tăng 5,91% của cùng kỳ năm trước, nhưng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức thấp, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, kết quả trên là rất quan trọng và đáng ghi nhận.

Nhờ áp dụng nhiều giải pháp doanh nghiệp An Mi đã trụ vững trong gia đoạn khó khăn. Ảnh: Thanh Hải
Nhờ áp dụng nhiều giải pháp doanh nghiệp An Mi đã trụ vững trong gia đoạn khó khăn. Ảnh: Thanh Hải

Cần thêm hỗ trợ vốn và thị trường tiêu thụ

Thực tế cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu đều giảm sút. Bên cạnh đó doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, lãi suất vay còn cao và thủ tục còn phức tạp.

Nguyên nhân sức mua thị trường quốc tế giảm do lạm phát ở nhiều quốc gia, chính sách tiền tệ bị thắt chặt có thể ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế và dự báo khả năng suy thoái toàn cầu sẽ xảy ra vào năm 2023; việc gián đoạn chuỗi cung ứng được dự báo sẽ còn tiếp diễn, làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế - đầu tư - thương mại hậu dịch Covid-19;

Bên cạnh đó, giá hàng hóa thiết yếu ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tạo ra những khó khăn cho kinh tế và thương mại toàn cầu nói chung, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu của Thành phố. DN trong nước phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, khả năng chủ động về nguồn nguyên liệu và tiếp cận tín dụng của DN còn hạn chế.

Do đó, để hỗ trợ về vốn và mở rộng thị trường cần sự nỗ lực từ các DN cũng như các cơ quan Nhà nước. Chưa bao giờ các DN lại khó khăn như hiện nay. Nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế đều suy giảm mạnh. Trong đó, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu đi xuống từ tháng 7/2022 và đến quý I/2023 thì mức cắt giảm đơn hàng diễn ra rất nghiêm trọng. Mức độ cắt giảm đơn hàng phổ biến từ 50 - 70%, cá biệt có doanh nghiệp trong nước gần như không có đơn hàng xuất khẩu.

Với thị trường trong nước gặp khó khăn từ quý IV/2022. Sau đó, đến quý I/2023 và sau Tết Nguyên đán thì nhu cầu trong nước bắt đầu suy giảm, dẫn đến lượng đơn hàng tiêu thụ nội địa giảm mạnh.

Quyết định của Chính phủ giảm hoãn, giãn tiền thuê đất, giảm 2% thuế VAT vừa qua đã thực sự tạo động lực cho DN. Dù vậy, DN vẫn đề nghị các bộ, ngành thông tin tình hình thị trường kịp thời; tổ chức xúc tiến thương mại cũng như hỗ trợ lãi suất vay, giãn nợ để DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Khát vốn là thực trạng nhiều DN gặp phải, đặc biệt là DN vừa và nhỏ (SME). Do đó, mặc dù chính sách vay vốn ngân hàng đã cởi mở hơn, các ngân hàng hỗ trợ tích cực cho DN nhưng vẫn khó tiếp cận vốn.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn chưa hạ nhiệt. Do đó, DN cần có các công cụ hỗ trợ để tiệm cận với các chính sách, đơn cử như Nền tảng kết nối vay vốn tín chấp MISA Lending và Nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP của MISA. Khi khách hàng có nhu cầu vay vốn, MISA Lending tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn dưới sự đồng ý của khách hàng, từ đó ứng dụng thuật toán để tính toán, đề xuất các khoản vay phù hợp từ mạng lưới đối tác tài chính.

Để tăng cường tiêu thụ hàng hóa trên các thị trường trong và ngoài nước, công tác xúc tiến thương mại của DN là rất quan trọng và cần thiết, nêu các giải pháp để DN nhỏ và vừa tiếp cận các thị trương trong và ngoài nước thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của Thành phố Hà Nội và cả nước...

 

Với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán. Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.