Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó là "cách mạng màu" ở Belarus

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nổi tiếng với chính sách đối ngoại cứng rắn, đã nhiều lần làm phật lòng các đối tác của mình ở cả phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, bản năng và sự may mắn đã giúp ông trụ vững, khi cả Nga và phương Tây đều tin rằng rủi ro từ sự sụp đổ của chính quyền Lukashenko sẽ vượt qua lợi ích.

Khó là "cách mạng màu" ở Belarus - Ảnh 1
Belarus chứng kiến biểu tình đòi Tổng thống Lukashenko từ chức trong 3 tuần liền sau cuộc bầu cử hôm 9/8.

Trước hết, chính cuộc khủng hoảng Ukraine đã để lại bài học kinh nghiệm sâu sắc, khiến phương Tây tỏ ra khoan nhượng hơn với những hành động thái quá của ông Lukashenko - người vẫn được tin sẽ bảo đảm tốt nhất cho chủ quyền của Belarus. Việc để nước này thận trọng và dần dần mở rộng can thiệp với Mỹ và EU dường như là một lựa chọn an toàn hơn là thay đổi chế độ đột ngột, có thể kích động sự can thiệp của Nga.

Ông Lukashenko cũng đã khôn khéo thổi bùng những lo ngại như vậy trong chiến dịch bầu cử vừa qua, khi đưa ra nhiều cáo buộc can thiệp chống lại Nga hơn là phương Tây. Giới quan sát nhận định, trừ khi Tổng thống Lukashenko dùng đến các biện pháp đàn áp nghiêm trọng đối với phe đối lập, cuộc bầu cử hôm 9/8 khó có thể kích hoạt một làn sóng trừng phạt mới của phương Tây.

Cùng với đó, việc Điện Kremlin “âm mưu lật đổ” nhà lãnh đạo Belarus - như những gì truyền thông phương Tây gần đây thổi phồng - được nhận định là điều càng xa vời. Ưu tiên hàng đầu của Nga ở Belarus là ngăn cản đồng minh lâu năm này đến gần phương Tây, và một lãnh đạo bảo thủ như Alexander Lukashenko là trở ngại tốt nhất đối với quá trình đó.

Trên thực tế, trong số 6 quốc gia hậu Xô Viết thuộc khu vực láng giềng chung EU - Nga, Belarus vẫn là nước duy nhất không sa lầy vào một cuộc xung đột lãnh thổ. Tuy nhiên, tính cách của ông Lukashenko dường như lại đang thực hiện một chức năng tương tự của một cuộc xung đột, ở chỗ nó ngăn cản sự hội nhập của Belarus với EU và NATO. Chẳng hạn như tham vọng của châu Âu ở Armenia từng thất bại bởi cuộc xung đột Nagorno - Karabakh.

Điện Kremlin đã bỏ qua các ứng cử viên đối lập Lukashenko áp dụng lập trường thân thiện với Nga, đúng như cách Tổng thống Vladimir Putin tỏ ra không còn quá lo ngại với cục diện ở Armenia.

Nga rõ ràng không thích cách Nikol Pashinyan lật đổ Serzh Sargsyan để lên nắm quyền tại đây, nhưng ông Pashinyan đã nhanh chóng khẳng định "nền dân chủ hóa ở Armenia sẽ không đồng nghĩa với thách thức mối quan hệ của Erevan - Moscow".

Khó là "cách mạng màu" ở Belarus - Ảnh 2
Chính quyền Tổng thống Nga Putin nhiều lần lên tiếng ủng hộ ông Lukashenko, kể cả khả năng điều lực lượng an ninh đến Belarus nếu cần.

Cuối cùng, nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, phe đối lập tại Belarus khó có thể tập hợp đủ nguồn lực để đánh bật Tổng thống đương nhiệm Lukashenko, khi đang thiếu cả giới tinh hoa và lực lượng an ninh cần thiết.

Không giống như Ukraine, Moldova hay Georgia, Belarus thiếu các nhà tài phiệt quyền lực có đủ năng lực tài chính và truyền thông để thách thức nhà lãnh đạo đất nước. Khi bị Tổng thống sa thải, các quan chức cấp cao của Belarus không thành lập chính đảng riêng hoặc tổ chức các phong trào phản đối để gây áp lực, mà thiên về nguyện vọng từ bỏ nghĩa vụ nhà nước một cách hòa bình.

Các cơ cấu an ninh tại Belarus được cho đã không ngừng do thám lẫn nhau, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ tỏ ý bất trung với ông Lukashenko trong suốt 26 năm qua. Ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất vào giữa những năm 1990, họ vẫn tôn trọng loạt mệnh lệnh, buộc trục xuất hàng chục nghị sĩ khỏi tòa nhà quốc hội theo lệnh của Tổng thống.

Với các chính sách xã hội tương đối hào phóng của mình, ông Lukashenko vẫn nhận được sự ủng hộ đáng kể ở các khu vực nông thôn và thế hệ lớn tuổi, trong khi phong trào phản đối chủ yếu là thế hệ trẻ và tầng lớp trung lưu thành thị, với sự bất bình chủ yếu là chính trị, xếp sau các vấn đề xã hội.

Tổng thống Lukashenko không ít lần xuất hiện có vũ trang giữa bất ổn.

Từ đó, các cuộc biểu tình ở Belarus lúc này được tin sẽ tương tự với các cuộc biểu tình phản đối chính quyền Putin tại Nga vào năm 2011 - 2012, hơn là với cuộc “cách mạng màu” - như Maidan ở Ukraine năm 2014 - đã dẫn đến sự thay đổi chế độ. Một số kết quả tại Belarus đã cho thấy, sau thời hạn tù ngắn, đa số những người phản đối chính quyền đã từ bỏ ý định và quay trở lại cuộc sống hàng ngày của họ - một cuộc sống về cơ bản là giống phần còn lại của châu Âu, ngoại trừ các quyền tự do chính trị.