Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó thu hút các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào khu giết mổ tập trung

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Khu giết mổ tập trung đã được xây dựng dù có đầy đủ đánh giá tác động môi trường và đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng lại khó thu hút những hộ giết mổ nhỏ lẻ do còn một số vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Đây là ý kiến của đại diện cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn huyện Chương Mỹ tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn mới đây.

Liên quan đến ý kiến của thành viên Đoàn giám sát về việc triển khai thực hiện chính sách giết mổ tập trung trên địa bàn, vị đại diện này cho biết: Năm 2018 đơn vị đã triển khai xây dựng khu giết mổ tập trung tại xã Tốt Động và đi vào hoạt động đầu năm 2019. Bước đầu Công ty kỳ vọng sẽ tập trung tất cả các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đưa vào khu giết mổ tập trung có kiểm soát để phân phối sản phẩm có kiểm soát ra thị trường. Mặc dù có công suất khoảng 1.000 con/ngày/đêm nhưng hiện mới đạt 20% công suất.

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát tại Chương Mỹ
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát tại Chương Mỹ

Theo thống kê, tiềm năng của Chương Mỹ có khoảng hơn 100 tấn thương phẩm giao cho thị trường nhưng để kiểm soát được thì có 3 cơ sở đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, hiện chưa thu hút được các nhà giết mổ vào khu tập trung. Từ thực tế đó, vị này đề xuất TP có cơ chế chính sách, biện pháp phù hợp để đưa tất cả các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào khu giết mổ tập trung để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi các khu giết mổ tập trung có đầy đủ đánh giá tác động môi trường, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Nói thêm về một số khó khăn trong cơ chế chính sách, vị đại diện doanh nghiệp này chia sẻ câu chuyện khi doanh nghiệp nhận được chế độ chính sách của TP hỗ trợ doanh nghiệp giết mổ đầu con. Chúng tôi rất phấn khởi nhưng khi triển khai lại nảy sinh vấn đề là thủ tục phức tạp. Khó nhất là khi thu mua của dân yêu cầu có giấy xác nhận của thú y và UBND xã mới được hưởng chế độ đó. Mua 10 con heo của dân lại bắt dân gặp đủ 2 bên để xác nhận cho làm căn cứ hỗ trợ đầu con nên dân bỏ không tham gia mà bán cho ở ngoài.

Bên cạnh đó, trong lúc chính sách ban hành ra có quy định ngặt nghèo là phải giết mổ đủ 100 con trở lên, 99 con cũng không được nếu viết thêm vào thì sai. Doanh nghiệp cho rằng chính sách cần phù hợp thực tế vì thủ tục phức tạp người dân bán cho nơi không kiểm soát chứ không bán cho công ty. Đồng thời, đại diện doanh nghiệp đề nghị có chính sách hỗ trợ cho người giết mổ nhỏ lẻ vào công ty giết mổ tập trung đủ điều kiện giết mổ để đảm bảo kiểm soát, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ về kết quả triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2019-2022 huyện Chương Mỹ đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2021, toàn huyện có 3 xã được UBND TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2022, huyện tập trung chỉ đạo và hướng dẫn 2 xã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hiện nay trên địa bàn 13 xã, thị trấn có 99 sản phẩm OCOP đã được UBND TP đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Năm 2022, Hội đồng OCOP huyện đã đánh giá, phân hạng 46 sản phẩm và trình Hội đồng OCOP TP đánh giá, công nhận; tiếp tục duy trì hoạt động 3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Đến nay huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung (lúa, rau, cây ăn quả, chè; hình 5 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm; 7 xã có khu chăn nuôi tập trung với diện tích 114,8ha...).

Ngành nông nghiệp huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu đã hình thành một số mô hình chuỗi sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực (rau, gạo và sản phẩm chăn nuôi), góp phần nâng cao tỷ trọng ngành nông nghiệp.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị huyện Chương Mỹ làm rõ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của trung ương và TP trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; công tác tuyên truyền chính sách, giám sát việc thực hiện...

Sau khi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn làm rõ một số vấn đề, Đoàn giám sát đã ghi nhận kết quả huyện đạt được, đồng thời cho biết sẽ tiếp thu những kiến nghị, đề xuất và tiếp tục nghiên cứu trong quá trình thẩm tra, báo cáo HĐND để ban hành các quyết sách phù hợp liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn.