Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó tìm giáo viên nước ngoài đạt chuẩn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Mời được một giáo viên khối bản ngữ có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ đến Việt Nam dạy ngoại ngữ là không tưởng”- giám đốc một trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài tại Hà Nội khẳng định

KTĐT - “Mời được một giáo viên khối bản ngữ có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ đến Việt Nam dạy ngoại ngữ là không tưởng”- giám đốc một trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài tại Hà Nội khẳng định trong cuộc họp bàn nới lỏng về khó khăn và hướng giải quyết trong việc đảm bảo chất lượng hoạt động của hơn 100 trung tâm tin học, ngoại ngữ tại Hà Nội.

Thay giáo viên như thay áo

Theo bà Nguyễn Diệp Hồng, Phó Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở GD-ĐT Hà Nội, việc sử dụng lao động nước ngoài hiện nay ngày càng gia tăng tại các trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài. Để được sử dụng người lao động nước ngoài về giảng dạy, các trung tâm này phải có đầy đủ thủ tục, quy định giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Các giáo viên nước ngoài phải chứng minh được các yêu cầu về hồ sơ, bằng cấp đảm bảo theo quy định…

Tuy nhiên, với những quy định khá ngặt nghèo về sử dụng lao động nước ngoài, nhiều trung tâm phải than thở, một lớp học nhưng phải thay giáo viên mấy lần, bởi cứ 3 tháng giáo viên người nước ngoài lại phải ra khỏi Việt Nam 1, 2 tuần để xin lại visa. “Lớp học rất mất ổn định, bị đứt đoạn khi vừa quen thầy cô lại phải đổi nhưng visa làm việc tại Việt Nam của các giáo viên chỉ có giá trị trong 3 tháng. Giáo viên kỳ cựu lắm cũng chỉ tối đa ở được 9 tháng sau khi xin gia hạn visa 3 lần”- Giám đốc Trung tâm Promiseland cho biết.

Cũng theo vị giám đốc này, lựa chọn hay nhất hiện nay là mời các giáo viên nước ngoài trong khối Asian như Philippines, Singapore… Sở dĩ như vậy, theo Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Việt-Anh là vì hiện nay để mời được giáo viên khối bản ngữ như Anh, Mỹ lại có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ đến dạy tại các trung tâm của Việt Nam là “không tưởng”. Không chỉ gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, xin visa, giấy phép hành nghề, bằng cấp chuyên môn các trung tâm còn đặc biệt khó khăn trong việc trả lương cho những giáo viên này. Chính vì vậy, theo bà Nguyễn Diệp Hồng, hiện vẫn có những trung tâm sử dụng người nước ngoài giảng dạy khi chưa có đủ hoặc chưa làm thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự các bằng cấp, chứng chỉ sư phạm…

Nhà nước và cơ sở cùng quản lý

Xác định đây là hoạt động đào tạo đặc thù, đòi hỏi đáp ứng chất lượng cao, phù hợp với chi phí người học bỏ ra, đại diện giám đốc hơn 100 trung tâm ngoại ngữ, tin học có yếu tố nước ngoài đều nhất trí về việc cần có cơ chế quản lý, xử lý kịp thời những vi phạm tại các cơ sở không tuân thủ đúng quy định hoạt động của cấp quản lý, tránh ảnh hưởng đến uy tín của các cơ sở bạn. Bà Hồng Nhâm, Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Đức Anh cho biết, các nước đều có hiệp hội các ngành nghề, trong đó, đào tạo ngoại ngữ cũng là một lĩnh vực quan trọng và đang phát triển nhanh. Việc các trung tâm ngồi lại với nhau để có cơ chế cùng hợp tác giúp cập nhật các thông tin về chương trình, giáo viên, nguồn tuyển, mức lương… sẽ giúp những cơ sở này có thể phát triển lành mạnh, đúng hướng và góp phần cạnh tranh tốt hơn với các cơ sở 100% vốn nước ngoài.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Trường, Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết việc thành lập câu lạc bộ các trung tâm ngoại ngữ, tin học có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố sẽ sớm được triển khai. Qua đó, các cơ sở có điều kiện thảo luận vấn đề chuyên môn, đồng thời kiến nghị các cấp quản lý giải đáp thắc mắc, khó khăn. Đây cũng là một kênh thông tin quan trọng để cáp quản lý tìm hiểu cơ sở thực tế và sớm phát hiện những sai phạm nếu có của những nơi hoạt động không đúng định hướng.

Cũng theo kiến nghị của Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Đức Anh, hiện tại mỗi cơ sở dạy ngoại ngữ đều có chuẩn riêng cho hoạt động đào tạo của mình và không thống nhất với các cơ sở khác. Điều này sẽ gây thắc mắc cho người học khi lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra chất lượng của các cơ sở ngoài thành viên là các cơ quan chức năng thì nên cho các trung tâm tham gia kiểm tra chéo lẫn nhau để có được những đánh giá khách quan.

Về đề xuất này, ông Nguyễn Tiến Trường cho biết, Sở sẽ sớm ban hành tiêu chí đánh giá các cơ sở giáo dục đạt chuẩn để công khai cho người học lựa chọn. “Trước mắt, Sở sẽ công bố công khai danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học có yếu tố nước ngoài đã đăng ký hoạt động trên trang web của ngành để người dân tham khảo”. Còn theo ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, không chỉ các cấp quản lý mà cả các trung tâm cũng mong muốn thành phố có những xử lý triệt để với những cơ sở kém chất lượng ảnh hưởng đến uy tín chung của hoạt động này. Do vậy, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tham mưu với thành phố ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm các sở như GD-ĐT, KH-ĐT, thuế, công an… để tiến hành kiểm tra hàng loạt cơ sở trong thời gian tới”.