Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khoán xe công: Vấn đề là thực thi không nửa vời

Trần Hiếu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trương khoán xe công hiện đang được dư luận đồng tình, nhân dân ủng hộ.

Bởi xuất phát từ thực tế đất nước ta còn nghèo nên việc khoán xe công theo đó mỗi năm sẽ giúp cho ngân sách nhà nước tiết kiệm được nhiều nghìn tỷ đồng và điều quan trọng hơn là sẽ giúp cán bộ có điều kiện gần dân, sát dân và qua đó hiểu dân hơn…
Không phải đến bây giờ việc khoán xe công mới được tiến hành mà trước đây việc này đã từng thực hiện, nhưng chỉ được thời gian ngắn sau lại “chìm” vào quên lãng… Vì vậy, chủ trương thực hiện khoán xe công lần này làm nhiều người không khỏi nghi ngại có thành hiện thực?
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Là địa phương tiên phong trong việc khoán xe công, Hà Nội thí điểm triển khai khoán tới 8 cơ quan gồm các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Lao động Thương binh và Xã hội, các quận Hà Đông, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Gia Lâm. Trước đó, Sở Tài chính Hà Nội cũng đã xây dựng và báo cáo 2 mức khoán: một là căn cứ yêu cầu công tác của từng chức danh, thủ trưởng cơ quan đơn vị quyết định mức khoán, không vượt quá 9,3 triệu đồng/người/tháng; hai là căn cứ theo yêu cầu công tác của từng chức danh, thủ trưởng cơ quan đơn vị quyết định khoán kinh phí sử dụng xe công cho từng chức danh theo nguyên tắc khoảng cách thực tế đi công tác hằng tháng của từng chức danh, nhân theo đơn giá 13.000 đồng/km.

Rất cụ thể “gọi tên” đơn vị thực hiện và minh bạch trong việc khoán chi, theo đó việc thí điểm triển khai của Hà Nội sẽ giúp người được khoán xe công sẽ chủ động hơn và cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi quyết định đi loại phương tiện công cộng nào để “vi hành” cho hiệu quả nhất. Đồng thời sự hòa mình của cán bộ khi đi làm bằng phương tiện công cộng, nhiều người dân hy vọng đây sẽ là cơ hội để người dân tiếp xúc với cán bộ và cán bộ cũng sẽ có điều kiện thường xuyên và thực tế hơn tiếp xúc với người dân, trực tiếp chứng kiến sinh hoạt của người dân, nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân thì sẽ có nhiều cái lợi cho cán bộ trong công tác quản lý hơn. Theo đó, ý thức, thói quen đi đâu cũng sử dụng xe công khá rình rang, lãng phí sẽ được xóa bỏ…

Cùng với việc thực thi tốt khoán xe công thì việc thanh lý số xe công dôi dư phải thực hiện minh bạch, tránh thất thoát tài sản nhà nước. Bởi xe công chính là xe của nhà nước, suy cho cùng cũng là tiền đóng thuế của người dân bỏ ra. Vì vậy, với các xe thuộc diện thanh lý khi đấu giá phải công khai rộng rãi, đấu giá ở phạm vi rộng để người dân cũng được tham gia mua. Phạm vi đấu giá không thể chỉ trong nội bộ cơ quan, hay định giá quá rẻ.

Muốn việc đấu giá xe công thành công thì cần có cơ quan thẩm định giá độc lập tính toán, nếu quá rẻ không chỉ thất thoát mà không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu. Đồng thời, những ai được tham gia đấu giá cũng cần công khai, có sự giám sát của cơ quan cấp trên và tổ chức xã hội độc lập, tránh tình trạng lợi ích nhóm, quân xanh, quân đỏ, đấu giá xe sang giá bèo làm thất thoát tài sản công…

Khoán xe công và thanh lý xe công, quan trọng nhất là phải làm đến cùng, nếu khoán xe công chỉ làm nửa vời thì sẽ không hiệu quả như những lần thực hiện trước đây. Đừng để người dân lại thêm một lần thất vọng!