"Thời xa vắng"
Liveshow tháng 8 của chương trình Bài hát Việt 2012 diễn ra tối 12/8 được tường thuật trực tiếp trên VTV6, nhưng không ít khán giả mở lên rồi… chuyển kênh. Bởi 9 ca khúc dự thi đều của các tác giả trẻ, ca từ và tư duy âm nhạc chưa thật sự thuyết phục người nghe. Hầu hết các ca khúc dự thi đều được sáng tác theo thể loại rap, hip hop - thể loại chưa thật đại chúng ở Việt Nam. Hơn nữa, do khâu tuyển chọn ca khúc vào liveshow tháng cũng như năm không được sàng lọc kỹ lưỡng nên khán giả đã "lạnh nhạt" với Bài hát Việt. Sẽ chẳng có mấy người dễ dàng tiếp nhận "Hà Nội phố" của Hà KiO khi từ ca từ đến giai điệu đều quá cũ và để lộ quá nhiều nốt phô. Những ca sĩ trẻ (Lân Nhã, Lê Vy, Phan Ngọc Luân, Trung Quân…) không đủ sức tìm kiếm cảm xúc trong những lời ca chưa thật xuất sắc của "Bản nhạc và thiên đàng", "Lắng nghe", "Vui lên nào"…
Nhìn lại Bài hát Việt ở cái thời "Bà tôi" (Nguyễn Vĩnh Tiến), "Con cò" (Lưu Hà An), "Nồng nàn Hà Nội" (Nguyễn Đức Cường)… thì trong khoảng 3 năm trở lại đây, chương trình đã giảm hẳn chất lượng. Sau mỗi mùa giải, đêm chung kết Bài hát của năm không tìm được "sản phẩm" thực sự xứng đáng. Bài hát của năm không được nhiều ca sĩ chọn hát, nên càng khó đi vào lòng khán giả. Mặt bằng chất lượng ca khúc giảm sút cũng chỉ vì nhạc sĩ không mấy mặn mà với sự "lên ngôi" của nhạc teen.
Nguyễn Ngọc Anh và nhạc sĩ trẻ Phạm Hải Âu lập hat-trick với 3 giải thưởng lớn nhất trong chương trình.
Nhạc sĩ chuyển nghề
Thực tế, vào mỗi quý, rất nhiều nhạc sĩ có mức thu vài chục triệu đồng từ tiền bản quyền ca khúc. Theo tiết lộ của những nhạc sĩ trẻ có tiếng hiện nay như Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Văn Chung, Dương Khắc Linh…, tác quyền cho một ca khúc sử dụng độc quyền có thời hạn luôn có giá từ 20 - 30 triệu đồng. Những nhạc sĩ ít tiếng tăm hơn có thể bán ca khúc độc quyền với giá từ 4 - 5 triệu đồng. Nếu sáng tác tốt, có nhiều ca khúc hay được mua độc quyền, người sáng tác sống "khoẻ" bằng nghề. Tuy nhiên, khi dòng nhạc teen "lên ngôi", nhiều nhạc sĩ không thể chạy theo xu hướng đó, nên quyết định chuyển nghề.
Hầu hết các nhạc sĩ có thâm niên, từng có những ca khúc đi cùng năm tháng, đang theo đuổi những công việc khác ngoài sáng tác. "Chúng tôi vẫn còn nguyên niềm đam mê với âm nhạc, nhưng chuyển sang một hình thức khác. Nếu trước đây, viết ca khúc là công việc chính, bây giờ, bị đẩy xuống vị trí phụ và được thay thế bằng một công việc khác phù hợp hơn với cuộc sống" - nhạc sĩ Việt Anh cho biết. Hiện, nhạc sĩ Việt Anh thường xuyên giới thiệu những tác phẩm hòa tấu, khí nhạc và bận rộn với việc viết nhạc phim, kịch. Nhạc sĩ Đức Trí lại dành thời gian cho công việc giảng dạy, trong khi nhạc sĩ Võ Thiện Thanh tâm đắc với lĩnh vực sáng tác nhạc lougne (tạm gọi là nhạc thư giãn)... Các nhạc sĩ Anh Quân, Huy Tuấn, Vũ Quốc Việt... ngày càng bận rộn làm nhà sản xuất một chương trình truyền hình về âm nhạc hay dẫn dắt ca sĩ. Những công việc này mang lại thu nhập, nhưng cũng lấy hết thời gian và sức lực của họ, nên chẳng ai còn cảm hứng để sáng tác ca khúc.
Nhìn vào bức tranh sáng tác ca khúc đang có chiều hướng tối màu dần, nhiều người lo trong những năm đầu thế kỷ XXI, nhạc Việt sẽ xuất hiện khoảng trống ca khúc. Đấy là chưa kể, đôi khi việc lấp khoảng trống ấy không nằm trong khả năng sáng tác của người nhạc sĩ mà ở thái độ cảm nhận của người yêu nhạc.