70 năm giải phóng Thủ đô

Khơi dậy tiềm năng phát triển ngành nghề nông thôn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn được triển khai sâu rộng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đặc biệt là mang lại thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng triệu lao động nông thôn.

Doanh thu đạt hơn 236.000 tỷ đồng
Thực hiện Nghị định số 52 của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã tập trung triển khai 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Một số địa phương đã quy hoạch các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề. Hàng năm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hội chợ. Triển khai được 51 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; 42 nhiệm vụ hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ cho phát triển ngành nghề nông thôn.
Ngành nghề nông thôn thu hút và tạo việc làm cho hơn 2,3 triệu lao động
Trong giai đoạn 2018 - 2020, các bộ ngành, địa phương đã triển khai 60 mô hình, dự án thí điểm về phát triển ngành nghề nông thôn và 100 mô hình thuộc Chương trình khuyến công Quốc gia. Mở các lớp tập huấn cho 500 cán bộ quản lý Nhà nước về ngành nghề nông thôn, 800 lao động tại các cơ sở công nghiệp nông thôn, đồng thời, đào tạo khởi nghiệp cho hơn 5.700 học viên.
Nhờ sự vào cuộc chủ động của các bộ ngành, địa phương, đến năm 2020, cả nước có trên 817.000 cơ sở cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề nông thôn, trong đó có 9.459 DN, 3.382 hợp tác xã, 6.553 tổ hợp tác và trên 797.600 hộ gia đình; tăng 119.000 cơ sở so với năm 2017 - thời điểm trước khi có Nghị định số 52.
Chia theo 7 nhóm nghề quy định tại Nghị định số 52 thì nhóm sản xuất sản phẩm thủ công, mây tre đan, gốm sứ, thuỷ tinh, dệt may, sợi, theo ren, đan lát, cơ khí nhỏ, điêu khắc chiếm số lượng lớn nhất với 35,3% tổng số cơ sở. Tiếp đến là nhóm các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 24,1%; nhóm bảo quản, chế biến nông lâm thuỷ sản 23%...
Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng (tương ứng 20,5%) so với năm 2017. Số lao động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn là trên 2,3 triệu người, tăng 300.000 lao động só với năm 2017. Thu nhập bình quân đạt 4 – 5 triệu đồng/lao động/tháng, cao gấp hơn 2 lần lao động thuần nông.
Nơi làm tốt, chỗ còn thờ ơ
Có thể khẳng định ngành nghề nông thôn, làng nghề là một nét bản sắc riêng của nền kinh tế, văn hoá Việt Nam từ lâu đời, giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Việc phát triển ngành nghề nông thôn những năm qua đã góp phần phát triển nền kinh tế dịch vụ ở nông thôn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn theo định hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP vào sáng 23/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Việt Nam đi lên từ ngành kinh tế nông nghiệp. Do đó, ở mỗi giai đoạn, Đảng và Nhà nước đều có những chủ trương, quyết sách phù hợp để khuyến khích nông nghiệp, nông thôn phát triển. Trong đó, Nghị định số 52 có ý nghĩa quan trọng trong phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, nông thôn.
Từ năm 2018 đến nay, các bộ ngành, địa phương đã huy động được trên 540 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Dù vậy, đánh giá khách quan, hiệu quả kinh tế, năng suất lao động ở nông thôn hiện còn thấp. Đời sống của một bộ phận người dân, nhất ở vùng sâu, vùng xa chưa cao. Môi trường nông thôn chưa sạch, đẹp dù cả nước đã có trên 60% số xã về đích nông thôn mới. Chuỗi giá trị sản phẩm nông thôn chưa cao và ổn định…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ngành nghề nông thôn vẫn còn tiềm năng lớn, một lợi thế mà Việt Nam cần khơi dậy và phát huy trong thời gian tới. Để làm được điều này, Bộ trưởng đề nghị 8 cơ quan bộ ngành, các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm; phải cùng xắn tay vào. Đặc biệt, các tỉnh cần chủ động biện pháp khuyến khích các chủ thể phát triển ngành nghề nông thôn. “Cùng 1 nghị định nhưng thực tế triển khai cho thấy có địa phương làm tốt, có địa phương làm chưa tốt...” – ông Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, đồng thời nhấn mạnh, cả khu vực Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và người dân phải cùng vào cuộc thì phát triển ngành nghề nông thôn mới đạt hiệu quả cao và bền vững.