Khơi dòng vốn cho doanh nghiệp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, câu chuyện về vốn tín dụng để “cứu” thanh khoản cho nền kinh tế đang rất được quan tâm. Vì thế, một cơ chế điều hành linh hoạt là điều các DN luôn mong muốn.

Cung ứng tín dụng kịp thời, đúng mục tiêu cho nền kinh tế

Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Công điện đưa ra một tuần sau khi cơ quan quản lý tiền tệ nới 1,5 - 2% hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay, tức tín dụng cả năm sẽ tăng 15,6 - 16% so với đầu năm.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách Nhà nước (đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh); tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Lắp ráp sản phẩm tại Công ty CP xe đạp Thống Nhất Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Lắp ráp sản phẩm tại Công ty CP xe đạp Thống Nhất Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Trong 11 tháng năm 2022 có gần 132.340 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, con số DN rời thị trường này gấp 1,3 lần mức bình quân cùng kỳ giai đoạn 2017 - 2021. Số lượng DN tạm ngừng kinh doanh là 70.220 DN, tăng 34,8%; số DN chờ làm thủ tục giải thể là 45.271 DN, tăng 14,7% và số DN giải thể là 16.848 DN, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) nhận định, sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-9, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp. Cụ thể, giá năng lượng, hàng hóa cơ bản tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của nước ta; xung đột Nga – Ukraine khiến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh… Những yếu tố này đã tác động đến quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Đơn hàng sụt giảm mạnh, thiếu vốn, lãi suất tăng cao… là những khó khăn

 

Theo nghiên cứu của các công ty quốc tế, vòng quay tiền trung bình của các DN niêm yết Việt Nam tăng thêm hai tuần trong năm qua, các DN thông thường cần thêm khoảng 20% vốn lưu động để duy trì mức kinh doanh như bình thường. Các cơ quan quản lý nên có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các NHTM tích cực giảm lãi suất cho DN và xem xét có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý. Việc tăng cường cải thiện môi trường đầu tư (thuế, hải quan, thủ tục hành chính…) minh bạch, cạnh tranh, cơ hội tiếp cận thị trường… cũng rất quan trọng.

Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam Lâm Thị Ngọc Hảo

mà nhiều DN đang đối mặt. Điều này dẫn đến sự lo ngại về nguy cơ gia tăng lượng DN rời thị trường hoặc phải “bán mình”, nhất là đối với các DN nhỏ, mỏng vốn và quản trị yếu khó có thể vượt “bão” kinh tế toàn cầu hiện nay.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors Asia Cao Văn Đồng, do đơn hàng xuất khẩu đi thị trường chính ở châu Âu của công ty những tháng qua liên tục bị sụt giảm mạnh nên DN đã cho ngừng hẳn việc thực hiện gia công sản phẩm ở bên ngoài. Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) ước tính, hiện có hơn 10% số DN đồ gỗ đã phải ngừng hoạt động trong bối cảnh khó khăn nhiều mặt như sụt giảm hoặc không có đơn hàng, khách hàng thanh toán chậm, ngân hàng siết vốn vay, khó về đồng vốn kinh doanh… Hay báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, DN đang ở trong giai đoạn khó khăn, chịu áp lực rất lớn. Có thể kể đến như việc các đơn hàng tháng 11 - 12/2022 và quý I/2023 sụt giảm bình quân 25 - 27%.

Điều này dẫn đến tình hình không như thường lệ diễn ra với DN vào dịp cuối năm. Thông thường, vào thời điểm cuối năm DN đôn đáo tìm lao động để phục vụ đơn hàng Tết thì năm nay lại dừng tuyển dụng. Thay vì phải lo tăng ca và sẽ phải nghỉ Tết muộn như mọi năm thì năm nay, nhiều công nhân, người lao động lại lo phải nghỉ sớm vì mất việc.

Tín dụng tăng kỷ lục, nhiều DN vẫn kêu thiếu vốn

Vào ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng (room) định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% trên toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế năm nay có thể ở mức 15,5 - 16%. Thế nhưng, nhiều công ty vẫn chưa được giải ngân nhanh dù chỉ còn 3 tuần nữa là hết năm. Theo Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Nguyễn Đình Tùng, DN này vừa chủ động hỏi phía ngân hàng để được giải ngân vốn nhưng nhận được câu trả lời là chờ thông báo từ hội sở chính.

Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành Lê Hữu Nghĩa, đơn vị chuyên xây dựng nhà ở xã hội cho biết, các DN đang rất cần vốn để có thể phục hồi sau thời gian đình trệ do dịch Covid-19. Bản thân các DN xây dựng nhà ở xã hội nằm trong danh sách những lĩnh vực được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ gói ngân sách 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chính sách hiện tại lại tập trung hỗ trợ cho người mua và người thuê nhà ở xã hội, trong khi các chủ đầu tư dự án lại không được hỗ trợ. Điều này là bất hợp lý, vì nếu không có nguồn vốn hỗ trợ, các chủ đầu tư sẽ khó triển khai dự án, thị trường theo đó cũng sẽ không có nguồn cung.

 

Bắt đầu từ quý I/2023, những công ty nào không được cho vay vốn lưu động thì những công ty đó có vấn đề rủi ro lớn về sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, những công ty sản xuất, kinh doanh có mức độ rủi ro bình thường nhưng gặp "kiếp nạn" là bị siết tín dụng năm 2022 nên bị giảm vốn lưu động, thì năm 2023 chắc chắn vốn sẽ trở về ít nhất 80% định mức của DN.

TS Đinh Thế Hiển

Cùng với mong muốn được cấp tín dụng, nhiều DN cũng kỳ vọng, các ngân hàng sẽ đơn giản thủ tục cho vay, giảm thêm lãi suất. Qua đó, giúp DN kịp thời có vốn để kịp thời chi trả các đơn hàng, thanh toán cuối năm. "DN tới 75% là đang thiếu vốn, để chính sách nới room có hiệu quả, thiết thực hay không cần phải có thời gian" - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, TS Tô Hoài Nam đánh giá.

Không để ngân hàng nào thiếu thanh khoản

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, quan trọng nhất là tốc độ giải ngân của các NHTM phải được đẩy nhanh hơn so với bình thường. Việc nới room tín dụng chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ để các DN có thể tiếp cận vốn vay. Điều quan trọng là các ngân hàng phải xoay xở đủ vốn cho vay.

Thanh khoản hệ thống là vấn đề rất nóng hiện nay khi mà hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng (LDR - Loan to Deposit) đã vượt hơn 100%. Áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các NHTM là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn - tín dụng ở mức âm (tức cho vay tăng nhanh hơn nhiều so với huy động).

Trong buổi trao đổi với báo chí gần đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú giải thích động thái nới room mới đây rằng, ngoài việc các NHTM phải chủ động, tích cực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư thì NHNN sẽ hỗ trợ thêm nguồn vốn dài hạn. “NHNN vừa tiếp tục theo dõi hướng tín dụng đi đúng mục đích; vừa sẵn sàng tạo điều kiện các nguồn lực vốn dài hạn cho các NHTM để đáp ứng nhu cầu vốn bức thiết cho nền kinh tế hiện nay" - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Theo TS Đinh Thế Hiển, hiện nay chủ yếu các NHTM sẽ tập trung gia hạn các khoản vay cũ, cũng như lựa chọn kỹ khi giải ngân cho vay mới. Đồng thời, chờ đợi thêm các thông tin từ cơ quan quản lý về việc có điều chỉnh các tiêu chí, quy định về cho vay hay không. Bắt đầu từ tháng 1/2023, sẽ có room tín dụng mới. "Chỉ còn 1 tháng nữa là tới tháng 1/2023, khi đó chúng ta có tăng trưởng tín dụng tới 14%, thậm chí có thể là 15%, nền kinh tế chắc chắn được cởi trói, trong đó chắc chắn có thêm nhiều danh mục cho vay ngoài 6 danh mục ưu tiên” - ông Hiển khẳng định.