Khởi nghiệp tại Việt Nam: Khó nhất là hút người tài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm sao để thu hút nguồn nhân lực giỏi tham gia vào dự án khởi nghiệp đang là bài toán khó nhất dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.

Có tiền thu hút người tài ... vẫn khó

Từng có thời gian làm việc tại các hãng công nghệ lớn như Google và MSN, năm 2013, anh Phạm Kim Hùng đã về nước để thực hiện dự án khởi nghiệp của mình với công ty TechElite chuyên về ứng dụng công nghệ. Với số vốn ban đầu có được thông qua kêu gọi đầu tư là 230.000 USD, tính đến cuối năm 2014, TechElite đã được định giá vào khoảng 1,8 triệu USD.

 
Mạng sự kiện Bigtime.vn, sản phẩm chủ lực của TechElite, ý tưởng khởi nghiệp thành công từ mô hình VSV
Mạng sự kiện Bigtime.vn, sản phẩm chủ lực của TechElite, ý tưởng khởi nghiệp thành công từ mô hình VSV
Nói về hành trình khởi nghiệp của mình, anh Hùng chia sẻ, các doanh nghiệp khi bắt đầu luôn đối mặt với rất nhiều khó khăn từ nguồn vốn cho đến hướng đi cần thực hiện. Tuy nhiên cái quan trọng nhất là làm sao để thuyết phục người giỏi tham gia cùng với mình, trong quá trình thực hiện, khi mở rộng doanh nghiệp cũng rất khó để tìm được nhân sự đảm bảo được yêu cầu.

Cùng quan điểm với nhà sáng lập TechElite, anh Đặng Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Giáo dục Inied cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp ở Việt Nam không phải ở vốn mà nằm ở nhân lực. Theo anh Tuấn, vốn thiếu có thể đi vay, kêu gọi đầu tư nhưng có tiền rồi để mời được người có đủ trình độ đáp ứng công việc cũng vô cùng khó khăn, thường thì những người này đều đầu quân cho các công ty lớn, ít khi chịu về làm cho thương hiệu nhỏ.

Nhằm tìm lời giải cho vấn đề này, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp (Bộ KH&CN) cho rằng, thay vì phát triển đơn lẻ và tự phát, các doanh nghiệp và cá nhân khởi nghiệp trong nước cần hỗ trợ lẫn nhau bằng cách tạo ra một mạng lưới liên kết nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong các khâu quản lý, đào tạo nhân lực, đưa ý tưởng vào hiện thực ... Mô hình này cũng tương tự như trong lĩnh vực KH&CN luôn có sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu ...

Cũng theo ông Quất, ngay từ năm 2013,  Bộ KH&CN đã triển khai Đề án tổng thể thương mại hoá công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV) nhằm  tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực công nghệ ngay từ khi còn là ý tưởng. VSV được thành lập dựa trên cách thu hút đầu tư cho các dự án khởi nghiệp của Thung lũng Silicon Valley (Mỹ).

Trong quá trình hoạt động, VSV đã lựa chọn 9 nhóm khởi nghiệp trẻ nhằm đào tạo các kỹ năng về kinh doanh, quản lý cũng như kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết phục khách hàng. Tới năm 2014, cả 9 nhóm này đã được định giá và kêu gọi đầu tư. Nhiều ý tưởng ban đầu đã được phát triển ra sản phẩm và được sử dụng trên thị trường, tiêu biểu trong số đó là trường hợp của TechElite và Inied.

Được biết, hiện Bộ KH&CN đang trong quá trình xây dựng đề án để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam quy mô cấp quốc gia. Nếu đề án được phê duyệt sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa các mô hình như VSV, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.

Vẫn vướng vấn đề pháp lý

Nói về khởi nghiệp tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, các doanh nghiệp dạng này tuy ban đầu có giá trị rất nhỏ nhưng nếu phát triển với tốc độ cao sẽ đem lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế của đất nước cũng như có thể tạo ra các sản phẩm mang tính quốc gia có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, hệ thống pháp lý của Việt Nam còn thiếu nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bộ trưởng nêu ví dụ về quỹ đầu tư mạo hiểm. Mặc dù theo Luật KH&CN năm 2008, Việt Nam sẽ có quỹ đầu tư mạo hiểm từ nguồn vốn Nhà nước nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thể thành lập được. Trong đó nguyên nhân chủ yếu đến từ sự không đồng thuận giữa các Bộ, ngành có liên quan khi lo ngại sẽ gặp phải vướng mắc về pháp lý nếu sử dụng ngân sách cho đầu tư mạo hiểm.

Mặt khác, trong những năm qua ở Việt Nam cũng xuất hiện nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, mặc dù có kinh nghiệm và nguồn vốn lớn nhưng hoạt động đầu tư còn hạn chế, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ những vướng mắc của môi trường pháp lý, Bộ trưởng cho biết thêm.

Chính vì vậy mà trong một cuộc gặp gỡ mới diễn ra giữa đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong quá kêu gọi vốn của mình, họ đã nhiều lần bị các quỹ đầu tư nước ngoài đã bỏ qua do lo ngại giới hạn tại một số điều khoản trong Luật Đầu tư. Theo cách gọi của doanh nghiệp thì đây đang là một kiểu chảy máu chất xám trong cộng đồng khởi nghiệp hiện nay.

Ngoài ra các doanh nghiệp dạng này cũng gặp nhiều khó khăn trong các khâu như thủ tục, giấy tờ, cổ phần, huy động vốn ... Thậm chí có doanh nghiệp muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng chỉ riêng khâu xin thủ tục giấy tờ, mặc dù đã tiến hành hơn 3 tháng nhưng vẫn chưa xong.

Về vấn đề pháp lý với khởi nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, trong thời gian tới bên cạnh việc cho ra đời các văn bản pháp lý dành cho đầu tư mạo hiểm, cũng như phối hợp cùng các Bộ, Ngành khác tiến hành xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm tạo điều kiện cho ý tưởng sáng tạo có cơ hội trở thành hiện thực, mang lại hiệu quả cho nền kinh tế cũng như ứng dụng thực tế vào cuộc sống hàng ngày.