Ước mơ khởi nghiệp không bao giờ tắt
Sinh ra tại đất cảng Hải Phòng, Nguyễn Hoài Đức từng có công việc thiết kế đồ họa ở một công ty của Đan Mạch với mức lượng hơn 10 triệu đồng/tháng. Đức đã gắn bó với công việc này 7 năm. Tuy nhiên, chàng thanh niên đất cảng luôn canh cánh trong lòng ý tưởng kinh doanh ẩm thực quê hương.
Năm 2014, Đức hùn vốn cùng một người bạn mở cửa hàng bún cá Hải Phòng ở Hưng Yên. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm quản lý và chọn sai thị trường, nên cửa hàng chỉ hoạt động được gần một năm đã phải đóng cửa. Lần thất bại đầu tiên đã "đốt" hơn 200 triệu đồng – tổng số vốn Đức tích lũy được trong 7 năm đi làm.
“Tuy thất bại nhưng tôi biết kinh doanh ẩm thực vẫn là lĩnh vực sôi động và thị trường còn nhiều dư địa để khai thác. Và hơn thế nữa, tôi mong muốn giới thiệu đặc sản quê hương đến với tất cả mọi người” – Đức bày tỏ.
Để tiếp tục, anh tham gia một khóa học đầu bếp hơn một năm. Bởi theo Đức, để làm một việc gì thì cần có kiến thức bài bản về lĩnh vực đó. Năm 2016, trong một lần về quê, cùng vợ đi ăn chè dừa dầm – một món ăn vặt đặc sản của Hải Phòng.
Đức phát hiện ra món ăn này vẫn rất ít nơi có. Đặc biệt, theo quan sát anh thấy có rất nhiều khách du lịch khi đến Hải Phòng đều mua đặc sản này về làm quà. Từ đó, anh đặt ra câu hỏi, tại sao mình không đem thứ đặc sản này về gần hơn với thực khách? Và ý tưởng kinh doanh chè dừa dầm nảy ra từ đó.
Do không có vốn và kinh nghiệm, nên ban đầu anh chọn lấy lại hàng để bán. Anh dành thời gian gần một tháng đi ăn thử tất cả các cửa hàng kinh doanh đặc sản này ở Hải Phòng, sau đó lựa chọn cửa hàng có chất lượng chuẩn, vị ngon nhất để đặt hàng.
Rút kinh nghiệm lần thất bại đầu tiên, Đức chọn thị trường Hà Nội để khởi nghiệp lại. Theo Đức phân tích, Hà Nội là TP sôi động, đông dân, đời sống cao và đặc biệt có rất nhiều người dân Hải Phòng đang sinh sống. Đây sẽ là lượng khách hàng đầu tiên mà anh nhắm tới.
Với số vốn chưa đến 1 triệu đồng, Đức nhập 50 cốc chè và dùng chiếc xe máy cũ của mình chở chè rong ruổi khắp các đường phố Hà Nội bán. Do là sản phẩm mới lạ nên ngày đầu tiên Đức chỉ bán được vài cốc. Liên tục trong hơn một tuần liền, Đức phải bù lỗ. Tuy nhiên, chưa một lúc nào anh nản chí.
Ngoài bán rong, Đức còn đăng bán online trên các trang mạng xã hội. “Khi đó, cứ có khách đặt, dù xa hơn chục cây số nhưng tôi vẫn nhận giao hàng miễn phí. Dù không có lãi, nhưng cái được chính là có thêm một khách hàng biết đến sản phẩm của mình” – Đức tâm sự.
Sau một thời gian có lượng khách hàng ổn định, Đức quyết định bỏ số vốn 40 triệu đồng để được nhượng quyền và học công thức chế biến chè dừa dầm. Với công thức truyền thống và lượng kiến thức về ẩm thực được đào tạo trước đó, Đức mày mò chế tạo ra công thức chè dừa dầm của riêng mình. Sản phẩm mang tên Duconut. Tất cả nguyên liệu đầu vào đều được Đức trực tiếp lựa chọn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tươi ngon.
Hữu xạ tự nhiên hương
Đức bày tỏ, trong kinh doanh, sản phẩm tốt là nền tảng quan trọng nhất cho xây dựng thương hiệu. Bất cứ ngành nghề nào, quy mô nào và hình thức khởi nghiệp nào, sản phẩm luôn là đầu câu chuyện. Truyền thông quảng cáo hay đến mấy cũng không thể thay thế cho một sản phẩm tồi. Tôi chưa bao giờ thay đổi quan điểm này. Thương hiệu được cảm nhận và sống được bởi chính khách hàng.
Đức cho biết, từ khi bán hàng đến nay anh chưa phải bỏ ra một đồng nào tiền quảng cáo. Tất cả khách hàng đều tự tìm tới do được khách hàng cũ giới thiệu. Lượng hàng bán ra tăng cao theo từng ngày. Từ vài chục cốc/ngày, thì nay có ngày cao điểm Đức đưa ra thị trường xấp xỉ 1.000 cốc chè dừa dầm/ngày.
Trừ hết chi phí, có ngày anh thu lãi trên 10 triệu đồng. “Khi sản phẩm đã tốt, khách hàng cũ chính là những marketers hiệu quả nhất để lan tỏa tên tuổi. Do đó, chất lượng sản phẩm tốt chính là một cách làm thương hiệu rất hữu hiệu” – Đức khẳng định.
Hiện nay, Đức có hơn 20 đại lý phân phối bán lẻ sản phẩm. Ngoài đại lý phân phối trực tiếp, Đức còn đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Foody.vn, Now.vn… để tiết kiệm chi phí, nhân lực. Đó chính là cách hiệu quả để tiếp cận xu hướng bán lẻ đa kênh. Việc có mặt trên sàn giao dịch cho phép Duconut tiếp cận lượng khách hàng khổng lồ, đồng thời thụ hưởng những lợi thế về marketing, chiến lược tiếp thị mà các nhà cung cấp nền tảng thương mại điện tử mang lại.
Ngoài thị trường Hà Nội, thương hiệu chè dừa dầm Duconut còn có đại lý đặt tại Thanh Hóa và Hưng Yên. “Mong muốn của tôi là mang đặc sản chè dừa dầm Duconut phục vụ thực khách ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước” – Đức mong muốn.