Khôi phục nghề truyền thống tại quận Hoàng Mai: Khi chính quyền vào cuộc

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đậu phụ là món ăn dân dã, quen thuộc của người Việt Nam. Mỗi nơi có một cách làm đậu phụ khác nhau nhưng chưa nơi nào có đậu thơm ngon, sánh bằng đậu phụ làng Mơ, phường Mai Động.

''Nhưng làm thế nào để sống lại nghề truyền thống này của Hà Nội là một điều không dễ” - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm chia sẻ.

Quận Hoàng Mai đang tập trung khôi phục nghề truyền thống làm đậu phụ. Ảnh: An Thanh
Quận Hoàng Mai đang tập trung khôi phục nghề truyền thống làm đậu phụ. Ảnh: An Thanh

Tự hào một làng nghề truyền thống

Theo các bậc cao niên, nghề làm đậu phụ vốn xuất xứ từ làng Mơ - Mai Động do chính tướng Tam Trinh từ thời Hai Bà Trưng sáng chế ra và truyền lại cho dân chúng trong làng rồi lưu giữ mãi đến tận ngày nay. Nói đến đậu phụ làng Mơ, người ta nghĩ ngay đến những bìa đậu nhỏ xinh, có màu vàng nhạt và thơm ngậy.

Vẫn những công đoạn, cách làm đậu phụ như rất nhiều vùng miền khác nhưng đậu làng Mơ được lọc kỹ, gói khéo nên ăn mềm và béo hơn rất nhiều so với đậu phụ những nơi khác. Các bà nội trợ Hà Nội vẫn ưa dùng đậu phụ làng Mơ hơn cả là bởi nó được lọc kỹ, gói khéo, đậu mềm mịn và ngọt béo. Cũng có lời truyền rằng, đậu phụ Mơ do được nấu bằng nước giếng làng Mơ nên đặc biệt thơm ngon. Hương thơm của đậu làng Mơ cũng khác biệt so với đậu phụ ở những nơi khác.

Người dân làng Mơ truyền nghề từ đời này qua đời khác cũng không quên truyền cái tâm làm nghề cho con cháu. Quy trình làm đậu nào xay, nào nấu đậu, gói, nén, bóc đậu… đều được thực hiện một cách cẩn thận, chăm chút đến từng khâu nhỏ. Người dân Mai Động tự động viên, bảo ban nhau không vì lợi nhuận trước mắt mà làm mất đi thương hiệu làng nghề mà bao đời cha ông đã tạo dựng nên. Bìa đậu Mai Động dù chi phí từ khâu mua nguyên liệu cao hơn, pha chế công phu hơn nhưng giá chỉ nhỉnh hơn so với nơi khác không đáng kể.

Đối diện với sự thật nghiệt ngã

Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề và làng có nghề lớn nhất toàn quốc với 1.350 làng nghề. TP đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia 5 sao.

Tính đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ NN&PTNT xem xét đánh giá, phân hạng); 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. OCOP của Hà Nội hướng tới gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.

Đậu Mơ, phường Mai Động, quận Hoàng Mai đã lập Kỷ lục bìa đậu to nhất Việt Nam 320kg tại triển lãm Export 2005 và hơn hết đậu Mơ đang là một thương hiệu ẩm thực lớn của Hà Nội, dù thực tế đến nay chỉ còn 25 hộ gia đình làm đậu phụ. Dù vậy, cùng với khá nhiều sản phẩm truyền thống khác của Hoàng Mai nói riêng và Hà Nội nói chung, đậu Mơ cũng đang gặp khó khăn đầu ra.

Hầu hết các hộ sản xuất đều quy mô nhỏ, giá trị thu lại chưa hấp dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh. Lợi nhuận trên một bìa đậu thấp, đầu ra bấp bênh chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến đậu phụ Mơ dù nức tiếng Hà Nội nhưng vẫn không phát triển, thậm chí còn có nguy cơ teo dần…

Đậu phụ Mơ nổi tiếng bao đời nay tại Hà Nội. Ảnh: An Thanh
Đậu phụ Mơ nổi tiếng bao đời nay tại Hà Nội. Ảnh: An Thanh

Tiềm năng phát triển du lịch làng nghề

Đứng trước thực trạng đó, UBND quận Hoàng Mai đã chỉ đạo phường Mai Động xây dựng đề án “Phát triển nghề truyền thống đậu Mơ - Mai Động giai đoạn 2022 - 2027 và định hướng đến năm 2030”. Đây là cơ sở để quận, phường tiến hành hỗ trợ, định hướng cho các hộ kinh doanh phát triển một sản phẩm truyền thống của địa phương. Đích thân Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động Nguyễn Trường Thịnh là người viết dự án, đồng thời triển khai thực hiện sau khi dự án được phê duyệt.

Cán bộ phường Mai Động đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với những hộ đang sản xuất, kinh doanh đậu phụ Mơ để nắm bắt khó khăn, vướng mắc. Nhiều hộ muốn mở rộng kinh doanh thì lại thiếu mặt bằng, thiếu vốn đầu tư để đưa máy móc vào sản xuất theo quy trình liên hoàn xay hạt - lọc bã - đun - pha chế. Quan trọng hơn nữa là ngoài khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thì làm thế nào để bao tiêu sản phẩm cho người dân là vấn đề lớn mà chính quyền quận, phường phải bắt tay vào giải quyết.

Khi đã mở rộng kinh doanh thì phải tính đến vấn đề thương hiệu, bản quyền thương hiệu, quảng cáo, marketing cũng như tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, người dân cần được nâng cao trình độ quản lý, điều hành tổ sản xuất, DN sản xuất, kinh doanh đậu phụ trong tương lai…

Đảng ủy, UBND phường Mai Động đã báo cáo với quận Hoàng Mai đề xuất các bếp ăn bán trú trường học, siêu thị thực phẩm tại quận sử dụng đậu phụ Mơ. Ngoài ra, chính quyền tổ chức cho các hộ vay vốn 50 triệu đồng để đầu tư mua sắm máy móc, tăng năng suất lao động.

Phường Mai Động cũng mở 5 lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức quản lý, pháp luật cho người dân, mời các hộ có nhiều kinh nghiệm sản xuất như ông Triệu Văn Hà, Trần Văn Vững… chia sẻ bí quyết gia truyền. Cán bộ phường đã cùng người dân tìm kênh cung cấp đậu tương sạch, giá rẻ nguyên liệu chính để sản xuất đậu phụ.

Đặc biệt, ngày 15/10 tới đây, nhân dịp 40 năm Ngày thành lập phường Mai Động (1982 - 2022), địa phương sẽ tổ chức hội thi Ngày truyền thống “Đậu phụ - Đậu mơ Mai Động” năm 2022 tại đình làng Mai Động (số79, ngõ 254 Minh Khai, Mai Động).

Dự kiến, sự kiện này sẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, là cơ hội để UBND quận Hoàng Mai xem xét, tiến hành dự án du lịch làng nghề tại địa phương. Bởi, quận Hoàng Mai có nhiều làng nghề ẩm thực như làng nghề bánh cuốn (phường Thanh Trì), rượu Hoàng Mai, làng bún Tứ Kỳ, bún ốc Pháp Vân (phường Hoàng Liệt) hoàn toàn có thể kết hợp với đậu phụ Mơ thành tour du lịch.

Vẫn còn quá sớm đề nói quận Hoàng Mai sẽ thành công trong việc phát triển nghề truyền thống đậu Mơ nhưng nhìn những bước đi của cấp ủy, chính quyền nơi đây, người dân Mai Động có thêm tin tưởng, kỳ vọng. Điều quan trọng là người dân cảm thấy không hề đơn độc trong việc gìn giữ và phát triển các sản phẩm truyền thống của cha ông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần