Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không cần thiết mở rộng thang điểm lên 20

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để có sự phân hóa cao kết quả thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ GD&ĐT chủ trương mở rộng thang điểm 10 truyền thống thành 20. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là thay đổi về mặt hình thức, thậm chí còn làm phức tạp vấn đề.

Chỉ là thay đổi về mặt hình thức

Trái ngược với một số ý kiến đồng tình với chủ trương sử dụng thang điểm 20 vì cách chấm thoáng hơn, PGS Văn Như Cương lại kịch liệt phản đối. Theo ông Cương, nâng thang điểm 10 lên 20 là không cần thiết: "Hiện nay, chúng ta chấm chi tiết đến 0,25 điểm, nếu áp dụng thang điểm 20 sẽ tăng gấp 2 lần thành 0,5 điểm; 1 điểm chia làm 4 phần tối thiểu thì tới đây sẽ thành 8".

 
Giờ học toán của học sinh khối 12 trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Giờ học toán của học sinh khối 12 trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Như giải thích của lãnh đạo Bộ GD&ĐT thì sử dụng thang điểm 20 là để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển được thí sinh (TS) phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín của các trường; do đó, kết quả môn thi phải có độ phân hóa cao. Quan điểm đó không được nhiều chuyên gia đồng tình, bởi như thế có nghĩa từ trước đến nay, đề thi ĐH, CĐ không đảm bảo được tính phân hóa chi tiết? Nhất là mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, TS có học lực khá, giỏi mới làm bài đạt 7 điểm, TS xuất sắc mới được 8 - 9 điểm, những em trong đội tuyển quốc gia và quốc tế mới có thể được điểm 10. Bộ và xã hội khẳng định thang điểm 10 hoàn toàn phân hóa được trình độ và năng lực của TS như vậy thì có cần thiết phải dùng thang điểm 20?

Một rắc rối nữa sẽ xảy ra khi nâng thang điểm lên 20 là hiện nay, bậc THPT đều đang áp dụng thang điểm 10 cho bài kiểm tra, thi, tính điểm trung bình năm học. Với cách tính mới, điểm trung bình lớp 12 để xét tốt nghiệp (áp thang điểm 10) lại phải nhân đôi rồi cộng với điểm 4 bài thi tốt nghiệp (dùng thang điểm 20) để ra kết quả điểm xét tốt nghiệp. Việc này vô tình làm thay đổi thói quen sử dụng thang điểm 10 truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của giáo viên, phụ huynh cũng như học sinh. "Sáng kiến ấy hoàn toàn không cần thiết. Bộ GD&ĐT cứ để nguyên thang điểm 10 cho người ta yên tâm" - PGS Văn Như Cương thẳng thắn.

Một sự không đồng nhất nữa về cách tính điểm trên toàn quốc sẽ xảy ra đối với các trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia và trường dựa vào điểm trung bình THPT. Chắc chắn trong một trường có 2 hình thức xét tuyển sẽ có sự bỡ ngỡ và dẫn đến hiểu lầm về phân biệt TS hạng 1, hạng 2.

Nhân rồi lại chia?

Theo quan điểm của các chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh, sử dụng thang điểm 20 không gặp trở ngại gì. Với các môn thi tự luận, thang điểm này chia nhỏ đến 0,25 điểm thì độ chính xác càng cao. Tuy nhiên, việc ra đề và làm đáp án chấm thi cũng phải chi tiết hơn khi một bài thi được chia nhỏ thành 80 mức. Thế nhưng, đối với môn Ngữ văn, cách ra đề theo hướng mở thì việc áp dụng thang điểm 20 không dễ dàng.

Đối với bài thi các môn trắc nghiệm, trước đây làm đúng 50 câu thì được 10 điểm (0,2 điểm/câu), liệu tới đây có áp dụng điểm 20 không? Bộ GD&ĐT chưa công bố rõ vấn đề này, song PGS Lê Hữu Lập - người phát ngôn của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thẳng thắn: "Nếu các môn trắc nghiệm cũng áp thang điểm 20, mỗi câu làm đúng được 0,4 điểm, sau đó lấy tổng điểm bài thi chia 2 sẽ chẳng giải quyết vấn đề gì".

Phản đối quan điểm cho rằng thang điểm 20 chỉ là hình thức, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) giải thích: Việc sử dụng thang điểm 10, chấm đến 0,25 như trước có thể dẫn đến tình trạng TS trả lời đúng các bước trung gian, nhưng chưa được tính điểm. Khi mở rộng thang điểm 20, chấm đến 0,25 sẽ được chia thành 80 mức (thay vì 40 mức thang điểm 10), thì kết quả trung gian sẽ được chấm điểm, như thế có lợi cho TS. Hơn nữa, mở rộng thang điểm 20 hỗ trợ tốt hơn cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh, khắc phục tình trạng nhiều TS nộp hồ sơ có cùng một mức điểm trong khi trường có ít chỉ tiêu.

Về việc này, có chuyên gia đề nghị Bộ không nên can thiệp quá sâu vào việc tuyển sinh của trường. Nhiều năm nay, các trường đều có tiêu chí phụ để tuyển đủ chỉ tiêu và đảm bảo chất lượng. Bởi vậy, Bộ chủ trương mở rộng thang điểm 20 là không cần thiết, mà chỉ cần điều chỉnh đáp án chấm thi là đủ.