Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Không chấm điểm học sinh lớp 1, giáo viên vất vả hơn"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để làm sáng rõ hơn những chủ trương mới về giáo dục tiểu học, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định.

Năm học mới 2013-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh thực hiện hàng loạt chủ trương, giải pháp mới ngay từ bậc tiểu học nhằm triển khai thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đồng thời tích cực chuẩn bị cho việc Đổi mới Chương trình và thay Sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015.

Để làm sáng rõ hơn những chủ trương mới về giáo dục tiểu học, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định.

 
(Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
(Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

- Xin ông cho biết năm học mới 2013-2014, về giáo dục tiểu học có những chủ trương gì mới?

- Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định: Năm học 2013-2014, về giáo dục tiểu học có những điểm mới so với trước là đổi mới đồng bộ về phương pháp dạy, phương pháp học, kiểm tra đánh giá, tổ chức quản lý lớp học. Cả nước đã áp dụng nhiều mô hình tiên tiến như mô hình trường học mới, mô hình "bàn tay nặn bột," từng bước áp dụng dạy tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục, triển khai mở rộng dạy song ngữ ở những nơi có điều kiện...

Về đổi mới phương pháp dạy: Thầy giáo không giảng bài truyền thụ một chiều như cũ mà phải hướng dẫn học sinh tự làm việc với sách giáo khoa, làm việc với các thiết bị để tự mình lĩnh hội tri thức.

Về đổi mới phương pháp học: Học sinh không ngồi nghe giảng một chiều mà dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, học sinh chủ động làm việc để hiểu được kiến thức, tự mình làm việc với các thiết bị giáo dục, vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống trong thực tế.

Về đổi mới kiểm tra đánh giá: Trước đây, chúng ta chỉ đánh giá kết quả học tập cuối cùng của học sinh nhưng hiện nay không chỉ đánh giá kết quả cuối cùng mà phải đánh giá cả quá trình học tập của các em.

- Nhiều phụ huynh có con lần đầu tiên đi học đã rất lo lắng bởi tình trạng một số học sinh lớp 1 được học thêm trước chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo có biết điều này hay không và đã có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

- Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định: Trước đây một số nơi có tình trạng dạy trước chương trình lớp 1, gây nên sự bức xúc của xã hội. Chúng tôi biết tình trạng này nên trong quá trình chỉ đạo, B ộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị 2325 để chấn chỉnh tình trạng dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Việc này không tốt cho chính em học sinh đó vì không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Điều này tôi đã từng phân tích và phát biểu trên nhiều diễn đàn trước đây.

Tại Chỉ thị 2325, chúng tôi cũng yêu cầu nhà trường cùng các cấp chính quyền cơ sở truyền thông cho phụ huynh hiểu rõ tác hại của việc học trước chương trình lớp 1. Bên cạnh đó, mỗi nhà trường phải cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục để phụ huynh yên tâm. Nhà trường ưu tiên lựa chọn cô giáo có kinh nghiệm để đảm bảo chất lượng giáo dục lớp 1. Chính quyền địa phương phải kiểm tra và kịp thời xử lý các vi phạm. Đối với những nơi lớp học có sỹ số đông, nhà trường phải tham mưu với chính quyền từng bước bổ sung cơ sở vật chất để giảm số lượng học sinh tại mỗi lớp học.

- Một số giáo viên và phụ huynh băn khoăn với chủ trương mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra là không chấm điểm cho học sinh lớp 1? Vậy chúng ta sẽ đánh giá học sinh như thế nào?

- Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định: Đánh giá học sinh có thể bằng cho điểm và nhận xét. Trên thực tiễn, đối với học sinh lớp 1, việc cho điểm gây nhiều áp lực với học sinh. Thứ nhất với các em lần đầu đi học, mới tập viết đã cho điểm sẽ tạo áp lực. Chúng tôi sẽ áp dụng đánh giá thường xuyên, đánh giá bằng nhận xét. Cô giáo sẽ quan sát và đưa ra nhận định, động viên những điểm học sinh làm tốt và những điểm chưa làm tốt để các phụ huynh biết rõ về con em mình, từ đó cả giáo viên và phụ huynh cùng động viên, phát huy những thế mạnh và hỗ trợ kịp thời giúp học sinh vượt qua những điểm yếu.

Việc không cho điểm không phải giáo viên sẽ nhàn hơn mà giáo viên còn vất vả hơn trước. Thay vì chỉ chấm điểm trong một bài làm, một thời điểm nhất định, giáo viên phải bỏ công sức theo dõi, quan sát học sinh nhiều hơn để đưa ra các nhận xét, việc đánh giá học sinh phải bao quát suốt cả quá trình học tập của từng em.

Việc đánh giá học sinh không bằng điểm số không phải chỉ duy nhất Việt Nam thực hiện mà nhiều nước trên thế giới đều đã thực hiện việc này. Các nước có nền giáo dục tiến tiến như Pháp, Đức.... học bạ học sinh cũng ít ghi điểm mà ghi nhận xét nhiều hơn, thậm chí ghi những nhận xét rất cụ thể, tỉ mỉ...

- Năm nay, số học sinh vào lớp 1 tăng đột biến tương đương với lứa tuổi sinh năm 2007 (lứa tuổi heo vàng) bắt đầu đi học. Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn gì cho các địa phương chủ động chuẩn bị thích ứng với thực tế này?

- Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định: Việc này không phải bây giờ mới nghĩ tới mà trong nhiều năm thực hiện Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, các địa phương đã được chuẩn bị. Tất cả trẻ em đều có quyền đi học, cha mẹ cũng như thầy cô giáo có trách nhiệm vận động các em đến trường.

Để đảm bảo việc học cho các em, đối với các cấp phổ cập, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn phải quản lý số lượng học sinh. Cách đây 6 năm, Ban Chỉ đạo Phổ cập giáo dục từ cấp xã, phường đã phải biết số lượng học sinh sẽ đi học năm nay. Trong điều kiện đó, chúng tôi cũng yêu cầu phải có quy hoạch về đội ngũ, cơ sở vật chất trường lớp để đảm bảo chỗ học cho học sinh. Như vậy, các địa phương đã phải chuẩn bị từ trước để đảm bảo chỗ học cho học sinh. Tuy nhiên, do một số nơi có tình trạng di dân đột xuất nên chúng tôi đã có tham mưu với địa phương phân tuyến phân luồng, bổ sung cơ sở vật chất, điều chuyển đội ngũ giáo viên để đảm bảo mọi trẻ em đều có chỗ học. Tất nhiên, để giải quyết bài toán này phải có sự tham gia của các cấp chính quyền cơ sở.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.