Kinhtedothi - Tuyển sinh (TS) đầu cấp đúng quy chế, tiếp tục thực hiện quy mô "3 tăng, 3 giảm", đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, các trường phải làm chính xác điểm học tập của học sinh (HS), không "chạy theo" thành tích, sẽ kỷ luật nếu để xảy ra tiêu cực… là những vấn đề được quán triệt trong Hội nghị hướng dẫn thi và TS năm học 2014 - 2015 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức sáng 23/4.
Tuyệt đối không để quá tải
Năm học 2013 - 2014, dù không còn hiện tượng xếp hàng qua đêm, không còn điểm nóng về TS, tuy nhiên, công tác điều tra số trẻ trên địa bàn chưa chính xác. Có những trường điều tra nhiều, nhưng khi giao chỉ tiêu chỉ bằng một nửa, hoặc có những trường, điều tra ít nhưng giao chỉ tiêu lại gấp đôi, gấp ba. Điều này thể hiện việc phân tuyến và giao chỉ tiêu không sát. Để thực hiện tốt công tác TS đầu cấp, các quận, huyện phải có kế hoạch công khai về chỉ tiêu, tuyến, phương thức, thời gian TS trên internet, bản tin của trường, phường, xã. Theo ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT): "Năm nay, số HS lớp 6 tăng hơn 22.000 em, đây là vấn đề mà các phòng giáo dục phải quan tâm và có biện pháp chủ động trong xây dựng phương án TS. Ngoài ra, việc giao chỉ tiêu phải phù hợp, hạn chế việc nhận HS trái tuyến. Đồng thời, các nhà quản lý, phòng giáo dục phải quan tâm đến việc giao chỉ tiêu, phân tuyến hợp lý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trường quá tải, trường lại vắng HS"- ông Chất phân tích.
Về TS vào lớp 10, việc làm hồ sơ là một trong những khâu quan trọng, tuy nhiên, các trường chưa quan tâm nhiều về vấn đề này. "Năm qua, đã có một HS lớp 11 trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) phải chuyển trường. Lỗi này xuất phát từ trường THCS không kiểm tra kỹ hồ sơ, HS không có hộ khẩu thường trú vẫn cho đăng ký vào lớp 10. Khi trúng tuyển lại dễ dãi tiếp nhận hồ sơ, Sở đã phải xử lý". Do đó, ông Chất đề nghị, các phòng giáo dục chỉ đạo trường THCS kiểm tra kỹ ngay từ hồ sơ. Nếu HS không có hộ khẩu phải hướng dẫn HS đăng ký vào lớp 10 đúng quy định. Ông Chất cũng cho biết, năm nay, việc xét tuyển vào lớp 10 tuân thủ theo hướng dẫn của Sở, HS đỗ nguyện vọng 1 (NV1) rồi không xét tuyển NV2, tương tự - trúng NV2 thì không được xét NV3. Chỉ ưu tiên xét NV3 đối với HS không đỗ NV1, NV2 nhưng có điểm cao.
Tuyển sinh theo “4 rõ”
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều điểm mới, như: Hội đồng coi thi không xếp lẫn các trường trong cùng một Hội đồng thi; Bỏ chế độ ưu tiên đối với HS đạt giải vẽ, máy tính bỏ túi. Miễn thi cũng được mở rộng tới HS lớp 12 tuyển chọn thi KHKT, HS khuyết tật. Cách tính xét điểm tốt nghiệp trước đây phụ thuộc vào điểm thi, nay sử dụng cả điểm trung bình lớp 12; điều kiện xét tốt nghiệp, trước điểm liệt là 0, nay là 1…
Trước những thay đổi này, ông Bùi Quang Thái - Phó trưởng Phòng quản lý thi (Sở GD&ĐT) cho biết, Sở đã hướng dẫn các phòng GD&ĐT, các trường tổ chức ôn tập cho HS, trong đó, chú ý điểm trung bình lớp 12 tham gia xét tốt nghiệp nếu làm không chính xác sẽ ảnh hưởng đến kết quả của HS. "Với đặc thù của Hà Nội, có trường có số lượng HS ít, 2 - 3 phòng thi, không thể tổ chức Hội đồng chỉ có vài ba phòng thi, phải tập hợp lại thành lập một Hội đồng coi thi riêng. Trong trường hợp trường THPT công lập lớn, cạnh đó có trường ngoài công lập nhỏ, thì tách HS trường THPT công lập tham gia thi cùng Hội đồng thi của trường ngoài công lập, sao cho số phòng thi không nhỏ quá. Khi ghép phòng không xếp quá 24 HS/phòng thi. Phòng cuối cùng không quá 28 HS/phòng thi" - ông Thái cho biết.
Tại Hội nghị, ông Đoàn Hoài Vĩnh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh, TS đầu cấp với quan điểm “4 rõ”: Rõ phương thức, rõ tuyến, rõ chỉ tiêu, rõ thời gian TS. "Về việc tổ chức Hội đồng coi thi, mục tiêu là tăng giám sát, để số địa điểm thi không quá nhiều. Trong công tác xét tốt nghiệp, nếu xảy ra tiêu cực sẽ xử lý, kỷ luật nghiêm khắc" - ông Vĩnh khẳng định.
Các thí sinh xem số báo danh tại Hội đồng thi trường THPT Việt Đức. Ảnh: Trung Quý
|