Thực tế, đây cũng là vấn đề được đề cập đến nhiều lần, với mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu cơ quan dân cử với cử tri, để thực sự là cầu nối giúp đại biểu nắm bắt cặn kẽ tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.
Không thể phủ nhận, các cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) đã trở thành những buổi sinh hoạt chính trị - xã hội sâu rộng, được các tầng lớp Nhân dân rất quan tâm. Hoạt động này thể hiện trách nhiệm của đại biểu với cử tri; thể hiện quyền, trách nhiệm của cử tri đối với những vấn đề quan trọng của đất nước và của địa phương. Nhìn từ các cuộc TXCT với đại biểu Quốc hội đang diễn ra cho thấy, rất nhiều ý kiến liên quan đến các vấn đề quốc gia đại sự và cả những vấn đề rất cụ thể của mỗi địa bàn đều được cử tri nêu ra. Những ý kiến xuất phát từ cuộc sống ấy góp phần rất quan trọng giúp đại biểu có thêm cứ liệu sinh động, thay mặt cử tri phát biểu thảo luận trong các kỳ họp, các phiên chất vấn, đồng thời là những gợi ý giúp Quốc hội đề ra những chính sách phù hợp, có tính khả thi cao.Nhiều hình thức đổi mới TXCT cũng đã được triển khai. Ngoài tiếp xúc trước và sau các kỳ họp theo địa bàn dân cư, đơn vị bầu cử, các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương cũng tổ chức nhiều hơn các cuộc tiếp xúc theo chuyên đề về các lĩnh vực chuyên biệt; mời cử tri là những người có chuyên môn sâu góp ý kiến. Tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, trong những năm gần đây, đã có cách làm mới, sáng tạo bằng cách xếp lịch TXCT chéo (sau Kỳ họp). Chính sự thay đổi địa bàn tiếp xúc đã giúp các đại biểu có thêm thông tin và cử tri có cơ hội để kiến nghị với nhiều hơn những vấn đề quốc kế dân sinh.Nhưng cũng nhìn từ thực tế các cuộc TXCT cho thấy, trong hầu hết các cuộc tiếp xúc, cử tri lớn tuổi thường chiếm tỷ lệ cao hơn cử tri trẻ tuổi; cử tri là cán bộ cơ sở nhiều hơn cử tri là nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân… Có khá những người được mời tham dự liên tục các buổi tiếp xúc trong khi có không ít cử tri suốt cả nhiệm kỳ Quốc hội chưa được mời bao giờ. Có ý kiến cho rằng, nếu cứ theo thông lệ, một năm hai kỳ họp Quốc hội với bốn lần TXCT trước và sau Kỳ họp, với sự xuất hiện của một số cử tri quen mặt, các cuộc TXCT có thể “nhạt” và trở nên nhàm chán.Đổi mới hơn nữa các cuộc TXCT cũng là kỳ vọng của chính các cử tri. Ngoài đa dạng hình thức tiếp xúc, đổi mới đáng nói nhất là tất cả cử tri được tham gia tiếp xúc, qua đó khắc phục tình trạng "cử tri chuyên trách, đại biểu kiêm nhiệm". TXCT là vấn đề quan trọng, muốn nâng cao chất lượng không thể bỏ qua vai trò và trách nhiệm của đại biểu.Mong rằng, không chỉ “đến hẹn lại lên”, các cuộc tiếp xúc phải thực sự mang lại hiệu quả, là cầu nối truyền tải tâm tư nguyện vọng của người dân tới các cơ quan có chức năng. Và trên hết, không chỉ dừng ở các cuộc tiếp xúc trong hội trường, trước và sau mỗi lần họp Quốc hội, với trách nhiệm đại diện cho dân, hoạt động của đại biểu tiếp tục có sự đổi mới hơn nữa. Các đại biểu nên có nhiều hơn hình thức "tiếp xúc" gần hơn để nghe và hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, để chia sẻ, đồng cảm và đưa được nguyện vọng, ý chí của người dân lên nghị trường.