Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không có chuyện “thổi tuổi” cầu phao Lương Phúc để xin vốn

Thế Hà thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trương chung của TP cũng như của ngành GTVT Hà Nội là thay thế tất cả các công trình cầu yếu, cầu tạm trên địa bàn bằng công trình cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu để phục vụ giao thông và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 Ông Phan Trường Thành
Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành khẳng định, việc “thổi tuổi” cầu phao tại thôn Lương Phúc, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn không mang lại tác dụng gì. Bởi việc xây dựng cầu kiên cố tại khu vực này không bị ảnh hưởng hay liên quan gì đến cầu phao tạm.
Xin ông cho biết, có hay không việc “thổi tuổi” cầu phao tạm tại thôn Lương Phúc để làm dự án thay thế bằng cầu bê tông cốt thép?

- Cầu phao được xây dựng tại khu vực bến đò Lương Phúc, dù bao nhiêu tuổi vẫn chỉ là một cầu tạm, không được thẩm định, thiết kế, xây dựng theo đúng các quy định hiện hành. Đặc biệt, nó gây cản trở dòng chảy của sông trong mùa mưa lũ và vô cùng nguy hiểm cho người dân qua lại. Hiện nay, do không có cầu kiên cố nên người dân vẫn buộc phải sử dụng cầu phao. Từ nhu cầu bức thiết của Nhân dân khu vực, được cử tri kiến nghị lên HĐND các cấp nhiều lần, UBND huyện Sóc Sơn đã đề xuất TP cho xây dựng một cây cầu mới qua sông Cà Lồ, đoạn thôn Lương Phúc. Với tư cách là cơ quan chuyên môn đề xuất, tôi khẳng định, không có chuyện “thổi tuổi” cầu phao để lấy vốn thi công cầu vĩnh cửu ở đây.

Vậy ông giải thích thế nào về việc tại văn bản trình UBND TP Hà Nội, Sở GTVT cho rằng, cầu phao tạm Lương Phúc đã được xây dựng từ năm 1984?

- Tại 2 cuộc họp về đầu tư xây dựng cầu qua bến đò Lương Phúc, có sự tham gia của UBND huyện Sóc Sơn, huyện đều cho biết, cầu phao tạm Lương Phúc được xây dựng từ năm 1984. Bên cạnh đó, sở cũng nhận được đơn kiến nghị của ông Nguyễn Văn Nghĩa - chủ đầu tư cầu phao Lương Phúc, cho biết cầu được xây dựng từ năm 1995 và năm 2017 được xây dựng mới bằng sắt thép.

Sở GTVT đã có văn bản gửi huyện Sóc Sơn yêu cầu xác minh làm rõ thông tin này, có hay không việc xác định thời gian cầu được xây dựng từ năm 1984 và mới đây có sửa chữa, xây mới lại. Việc này còn chờ phía UBND huyện Sóc Sơn làm rõ nhưng chắc chắn, cầu phao Lương Phúc đã có từ hàng chục năm trước và chưa được cơ quan chức năng nào kiểm định, xác nhận an toàn kỹ thuật.
Cầu phao Lương Phúc bắc qua sông Cà Lồ, nối xã Việt Long, Sóc Sơn với Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh: Bích Diệp
Việc UBND xã Việt Long ký hợp đồng kinh tế, cho phép hộ tư nhân đầu tư xây dựng cầu phao Lương Phúc rồi thu phí phương tiện trong vòng 40 năm có đúng quy định của pháp luật?

- Đây mới chỉ là thông tin ban đầu từ chủ đầu tư cầu phao Lương Phúc và qua phản ánh của báo chí. Để xác định rõ cần chính quyền địa phương vào cuộc, nếu đúng như phản ánh thì phải tổ chức thanh tra toàn diện vấn đề này. Bởi chính quyền địa phương, mà ở đây là UBND xã Việt Long không đủ thẩm quyền cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đầu tư cầu phao tạm rồi tổ chức thu phí được.

Hơn nữa, việc đầu tư xây dựng, dù nguồn vốn từ đâu thì vẫn phải đảm bảo theo đúng quy trình, phải có cơ quan chuyên môn thẩm định, xem xét cầu đó có đạt yếu tố về kỹ thuật không, có tuân thủ các tiêu chuẩn hiện hành không... UBND huyện Sóc Sơn cần nhanh chóng xác minh, làm rõ vấn đề này.

Còn cây cầu vĩnh cửu qua thôn Lương Phúc, khi nào sẽ được xây dựng, thưa ông?

- Việc đầu tư cầu vĩnh cửu thuộc trách nhiệm của UBND huyện Sóc Sơn, TP chỉ hỗ trợ kinh phí cho huyện. Theo tôi được biết, đến nay, TP cũng chưa quyết định chủ trương đầu tư, mới chỉ ở trong giai đoạn cho phép UBND huyện triển khai các thủ tục đề xuất đầu tư dự án để trình HĐND TP xem xét thông qua. Khi được HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư thì sẽ bố trí vốn, tiếp đó huyện Sóc Sơn mới triển khai các thủ tục đầu tư dự án. Về mặt thủ tục, nhanh cũng phải mất hơn một năm, tùy thuộc vào quy mô đầu tư của cầu cũng như thời điểm thi công.

Xin cảm ơn ông!