Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Tháp:

Không có "vùng cấm", ngoại lệ trong xử lý vi phạm giao thông

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tai nạn giao thông gia tăng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông trên tinh thần: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; không để phát sinh “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” về tai nạn giao thông.

3 tháng hơn 50 người tử vong

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Tháp, trong quý I/ 2024, về tai nạn giao thông đường bộ, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ va chạm giao thông, làm 4 người bị thương; 11 vụ tai nạn giao thông ít nghiêm trọng, làm 11 người bị thương.

Tai nạn giao thông liên tục tăng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, vùng cấm. (Ảnh CTV)
Tai nạn giao thông liên tục tăng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, vùng cấm. (Ảnh CTV)

Đặc biệt, tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên xảy ra 48 vụ, làm 50 người tử vong, 6 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 186,6 triệu đồng. Xảy ra một vụ tai nạn giao thông đường thủy, không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại tài sản khoảng 450 triệu đồng.

Các địa phương để xảy ra tai nạn nhiều nhất gồm: huyện Cao Lãnh, Lấp Vò và Tháp Mười. Trong đó, huyện Lấp Vò đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 8 vụ nghiêm trọng, làm 8 người tử vong.

Năm 2023, toàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra tổng cộng 155 vụ tai nạn gia thông, làm 157 người tử vong. Chỉ trong quý 1/2024, xảy ra 64 vụ, làm chết 50 người, bị thương 21 người, thiệt hại tài sản khoảng 751,1 triệu đồng.

Các vụ tai nạn mức nghiêm trọng trở lên phần lớn xảy ra trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn và tỉnh lộ, chiếm 70,8% số vụ; phương tiện gây tai nạn chủ yếu là xe ô tô va chạm xe mô tô, chiếm 33,33% số vụ. Tai nạn giao thông xảy ra giữa xe mô tô và người đi bộ, đi xe đạp diễn ra khá nhiều với 13 vụ. Thời gian xảy ra tai nạn giao thông tập trung khung giờ từ 18 giờ đến 24 giờ với 24 vụ (chiếm 50%).

Các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân chính là ý thức của người tham gia giao thông chưa cao; quá tải hạ tầng giao thông đường bộ như: sử dụng rượu bia, chạy quá tốc độ, lấn làn, thiếu chú ý quan sát.

Không để phát sinh điểm đen

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Để hạn chế tai nạn giao thông, địa phương yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông; nghiêm cấm việc can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Chỉ đạo lực lượng công an giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; duy trì thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn, ma túy và quá tải trọng; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi gây rối trật tự công cộng, đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ... ông Nghĩa thông tin.

Thường xuyên khảo sát, kiểm tra điều kiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, công trình hệ thống biển báo hiệu, kịp thời phát hiện những bất cập, điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông để kiến nghị khắc phục kịp thời, không để phát sinh “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” về tai nạn giao thông, không để tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp gây bức xúc dư luận.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phát huy hiệu quả kênh thông tin, tuyên truyền để người dân tiếp cận nhanh chóng, thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông; chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn giao thông, vi phạm về hành lang an toàn giao thông.