Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để lời nói gió bay

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia” diễn ra ngày 7/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tiềm lực trong mỗi người dân rất lớn nhưng hiện còn nhiều "điểm nghẽn" khiến năng suất nói chung và năng suất lao động nói riêng bị hạn chế điều kiện để “bung ra” và phát triển.

Trong 6 định hướng được Thủ tướng nêu ra để tăng năng suất lao động, giải pháp về thể chế, chính sách được đề cập đầu tiên.
Thực tiễn hiện nay quy mô nền kinh tế Việt Nam không lớn; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng đào tạo nhân lực hạn chế... là những yếu tố khiến cho năng suất lao động của Việt Nam còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực ASEAN.
Theo một nghiên cứu gần đây nhất, Việt Nam có tỷ lệ sinh viên cao nhất học tập, làm việc tại quốc tế, điều đó cho thấy chúng ta đang bị chảy máu chất xám và cần thiết lập cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút tài năng.
Các chuyên gia cho rằng, gốc của vấn đề là cải cách thể chế chính sách, pháp luật, kinh tế; cơ chế về tiền lương chưa được vận hành theo thị trường; bên cạnh đó phải đổi mới giáo dục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung phát triển sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, nghiên cứu các mô hình kinh tế mới để thúc đẩy năng suất lao động…
Các nút thắt về cơ sở hạ tầng, đất đai, tài chính chưa chưa giải phóng được hoàn toàn, chưa phát huy được hết giá trị trong nền kinh tế thị trường, kéo theo những hạn chế về năng suất lao động. Để sớm có những quyết sách thúc đẩy năng suất lao động quốc gia Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, để tăng năng suất thì con người là yếu tố chủ lực, không đơn thuần chỉ là khoa học công nghệ.
Định hướng đúng nhưng phải có thể chế, chính sách phù hợp. Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ luôn đồng hành và mong các tầng lớp Nhân dân, DN nỗ lực, cố gắng hơn nữa, chủ động tham gia tích cực, đồng bộ quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, các giải pháp để tăng năng suất lao động, đồng thời phát động phong trào tăng năng suất lao động quốc gia sâu rộng trong toàn xã hội.
Phát động phong trào nâng cao năng suất lao động Quốc gia, Thủ tướng không quên nhắc nhở các ngành, cơ quan quản lý phải hành động thực chất, hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT sớm thể chế hóa nội dung Hội nghị, đề xuất Thủ tướng ban hành một văn bản, tạo cơ sở pháp luật để triển khai ở các bộ, ngành, không để “lời nói gió bay”.