Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để nhờn luật

Phạm Công - Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua vẫn tồn tại một số đơn vị kinh doanh vận tải chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ quy định về quy trình bảo đảm an toàn giao thông.

Đặc biệt là bộ phận quản lý và theo dõi an toàn giao thông của các đơn vị vận tải. Điều này dẫn đến tình trạng tràn lan vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, truyền dữ liệu giám sát hành trình, vi phạm tốc độ.

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã ban hành 10 văn bản để chấn chỉnh, thu hồi phù hiệu, biển hiệu của các đơn vị kinh doanh vận tải theo quy định. Tuy nhiên, chỉ có một số đơn vị vận tải chấp hành việc thu hồi và giao nộp phù hiệu, biển hiệu của các xe đã bị xử lý vi phạm về Sở GTVT Hà Nội, còn nhiều đơn vị vẫn phớt lờ quy định. Điển hình như hồi tháng 4, xe đầu kéo BKS 37H-040.56 vi phạm tốc độ 1.551 lần, xe đầu kéo BKS 37H-040.55 vi phạm tốc độ 1.118 (đều của Hợp tác xã Ô tô Trường Hải) bị xử lý vi phạm nhưng đến nay chưa thu hồi nộp lại phù hiệu.

Hay từ tháng 7, Hợp tác xã Vận tải Đại Lâm có phương tiện vi phạm tới 7.216 lần, Hợp tác xã Dịch vụ vận tải xe Đại Nam 7.182 lần, Hợp tác xã Vận tải xe Đô Thành 5.797 lần, Hợp tác xã Vận tải xe Hồng Hà 3.906 lần, Hợp tác xã Dịch vụ Thiên Trường 2.197 lần nhưng chưa thu hồi và nộp phù hiệu...

Đáng chú ý, chỉ trong 5 ngày từ 1 - 5/11 đã có hàng trăm lượt xe vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng, du lịch vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể, có 192 xe hợp đồng có trên 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy. Xe hợp đồng mang biển kiểm soát 29F-012.xx vi phạm tốc độ 117 lần trong 5 ngày với tổng số hơn 2.400km hành trình. Ngoài ra, 15 xe hợp đồng khác vi phạm tốc độ từ 50 lần trở lên chỉ trong vòng 5 ngày.

Trước thực trạng đơn vị kinh doanh vận tải có dấu hiệu nhờn luật, coi thường pháp luật, Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị công an và sở GTVT các tỉnh, TP phối hợp, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường thực hiện xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Thanh tra Sở GTVT Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý vận tải kiểm tra, xử phạt nghiêm vi phạm của các đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành vi không chấp hành quyết định về thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ, vi phạm thời gian làm việc của lái xe, không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của Sở GTVT Hà Nội. Cùng với đó, Bộ GTVT cũng đã công bố kế hoạch tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên toàn quốc.

Việc ráo riết thanh tra, kiểm tra tại thời điểm hiện tại là hoàn toàn cần thiết nhằm thực hiện các biện pháp, giải pháp cấp bách, bảo đảm an toàn giao thông, tính mạng cho người dân sử dụng dịch vụ vận tải. Công tác thanh kiểm tra sẽ góp phần kịp thời phát hiện bất cập trong các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Qua đó cũng có điều kiện đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý tồn tại, vi phạm... Việc thực thi đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông đường bộ do phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô gây ra.