Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện hạ tầng phòng cháy, chữa cháy

Không để nỗi đau thêm dài

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Liên tiếp mấy ngày gần đây, trên địa Hà Nội và cả nước xảy ra các vụ cháy gây hậu quả rất đau lòng, thiệt hại cả về người và tài sản.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại chợ truyền thống Châu Long. Ảnh Trung Nguyên
Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại chợ truyền thống Châu Long. Ảnh Trung Nguyên

Rõ thấy công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nói chung và hạ tầng PCCC nói riêng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình phát triển kinh tế - xã hội…, việc quy hoạch hạ tầng PCCC đồng bộ, hiện đại, phù hợp là đòi hỏi cấp thiết lúc này.

Nguyên nhân cũ gây ra nỗi đau mới

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an), từ ngày 15/1 - 14/6/2023, toàn quốc xảy ra 881 vụ cháy, làm chết 45 người, bị thương 43 người, tài sản thiệt hại ước tính 87,15 tỷ đồng và 149,08 ha rừng; xảy ra 5 vụ, làm 3 người chết và 10 người bị thương; lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trực tiếp tham gia 565 vụ CNCH; tổ chức cứu được 193 người, tìm được 389 thi thể bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý…

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an các địa phương đã xuất trên 5.300 lượt phương tiện, gần 7.400 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tổ chức thực hiện 826/881 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn và hướng dẫn thoát nạn cho hàng trăm người; tổ chức di chuyển và cứu được lượng lớn tài sản trị giá trên 88 tỷ đồng.

Qua nhiều vụ cháy xảy ra, đặc biệt là những khu đô thị, khu công nghiệp ở các tỉnh, TP lớn như: Bình Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…; quá trình quản lý, kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng cho thấy vấn đề PCCC vẫn tồn tại nhiều bất cập. Điển hình như ở Hà Nội, với vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học giáo dục, vừa có lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn, thử thách trong công tác PCCC&CNCH. Một trong những khó khăn phải kể đến là vấn đề về hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, CNCH.

 

Gần 9.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng phòng cháy và chữa cháy
Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng phòng cháy và chữa cháy (mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình; hệ thống thông tin liên lạc) cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đến năm 2030 dự kiến khoảng 89.332 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA, nguồn vốn địa phương hỗ trợ; nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, trong đó chủ yếu là nguồn ngân sách Nhà nước.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện trên địa bàn Thủ đô có 5.368 khu dân cư/579 xã, phường, thị trấn, trong đó có 433 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao; 9.483 tuyến đường, phố, hẻm, ngõ nằm sâu từ 200m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận được; 5.569 tuyến đường, phố, hẻm, ngõ có bục bệ, mái che mái vẩy chắn ngang cản trở hoạt động của xe chữa cháy, CNCH. Trong khi đó, Phòng PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) qua điều tra, khảo sát và đối chiếu với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hiện hành, toàn TP cần lắp đặt bổ sung 6.882 trụ nước chữa cháy, 343 bể nước chữa cháy, 448 bến lấy nước, hố thu nước chữa cháy. Đây cũng chính là những khó khăn thực tế trong công tác PCCC&CNCH trên địa bàn TP Hà Nội.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác bảo đảm an toàn về PCCC, lãnh đạo quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, địa bàn quản lý có mật độ dân cư đông, các công trình chủ yếu là nhà cao tầng, nhà ống, nhà liền kề. Nhiều công trình tập thể cũ xuống cấp, không bảo đảm an toàn về PCCC. Bên cạnh đó là vấn đề giao thông phức tạp, có nhiều ngõ sâu, ngõ nhỏ, mật độ người, phương tiện giao thông đông. Ngoài ra, nguồn nước, phương tiện chữa cháy còn thiếu; hệ thống dây cáp điện, cột điện… hư hỏng, xuống cấp.

Đề cập đến vấn đề cháy nổ, lãnh đạo huyện Thường Tín (Hà Nội) quan tâm về hạ tầng tại làng nghề, cụm công nghiệp bởi trên địa bàn với nhiều loại hình sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao. Trong đó, có các làng nghề nguy hiểm như: Tiền Phong (sản xuất chăn, ga, gối, đệm), Duyên Thái (sản xuất vàng mã, sơn mài). Từ đó, lãnh đạo huyện Thường Tín cho rằng, ở địa phương cần quan tâm quy hoạch hạ tầng, đô thị, cụm công nghiệp; đầu tư kinh phí theo thẩm quyền. Đồng thời, cần thiết đầu tư về phương tiện chữa cháy và CNCH để đáp ứng yêu cầu thực tế…

Phát triển đồng bộ, hiện đại

Về quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, trong bối cảnh công tác PCCC nói chung và hạ tầng PCCC nói riêng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của tình hình phát triển kinh tế - xã hội; việc quy hoạch PCCC với cách tiếp cận tổng thể và tích hợp đa ngành để có thể giải quyết một cách cơ bản và toàn diện các vấn đề thách thức hiện nay cũng như định hướng chiến lược cho sự phát triển hạ tầng PCCC giai đoạn trung hạn (5 năm) và dài hạn (10 năm), cũng như tầm nhìn lâu dài (sau 20 năm) là rất cấp thiết.

“Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an giao, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tại Quyết định số 2231/QĐ-TTg ngày 28/12/2020. Trong đó xác định các đối tượng quy hoạch gồm: mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ PCCC; hệ thống cung cấp nước phục vụ PCCC; hệ thống giao thông phục vụ PCCC; hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCCC” - Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh cho hay.

Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Quy hoạch hạ tầng PCCC là nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược trong lĩnh vực PCCC. Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là căn cứ để Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan và UBND các địa phương triển khai thực hiện góp phần quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, bảo vệ tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Đồng thời, việc triển khai có hiệu quả Quy hoạch cũng góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới...

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, phát triển hạ tầng PCCC đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến tới đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Quốc gia; kiềm chế sự gia tăng về cháy, nổ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và tài sản, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; đề xuất nghiên cứu thí điểm thành lập, bố trí địa điểm hoạt động cho đội PCCC&CNCH tình nguyện tại các khu đô thị, khu dân cư, làng nghề, cụm gia đình hoạt động kinh doanh dịch vụ; mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 1 đội Cảnh sát PCCC&CNCH…