Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để thị trường xáo trộn vì thịt lợn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với các địa phương trên cả nước, Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn sụt giảm. Hiện, TP đang tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp bù đắp thiếu hụt, không để thịt lợn gây xáo trộn thị trường.

 Nguồn cung các loại thịt khác của Hà Nội hiện rất dồi dào
Gia tăng thực phẩm thay thế
Sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát hồi tháng 2/2019, Hà Nội đã chủ trương tăng cường sản xuất các loại gia súc khác, gia cầm, thủy sản và trứng. Đến nay, sản lượng của tất cả các nhóm ngành hàng trên đều tăng mạnh.
Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2018, đàn gia cầm tăng 20,5%; đàn trâu tăng 0,4%; đàn bò tăng 1,1%; sản lượng trứng gia cầm tăng 21%, và sản lượng thủy sản tăng 6,5%. Sản lượng tăng thêm một phần phục vụ tăng trưởng ngành nông nghiệp, một phần bù đắp cho lượng thịt lợn bị thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi.
Từ cuối tháng 2/2019, dịch tả lợn châu Phi đã khiến trên 544.000 con lợn của Hà Nội bị tiêu hủy; tổng sản lượng lợn hơi sụt giảm khoảng 38.000 tấn. Dù vậy, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn TP hiện chỉ còn 41 xã (chiếm khoảng 9% tổng số xã bị dịch) chưa qua 30 ngày. Có 12 quận, huyện, dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh mới.
Cùng với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi các loại gia súc khác, gia cầm, thủy sản, Hà Nội cũng tích cực triển khai công tác tái đàn lợn. Đến nay, đã có trên 4.071 hộ, cơ sở chăn nuôi tổ chức nuôi tái đàn. Dự kiến trong 1- 2 tháng tới sẽ có nhiều lứa lợn xuất chuồng, bổ sung thêm vào nguồn cung thịt lợn.
Một điều tích cực khác nữa là hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 283 công ty, xí nghiệp, hợp tác xã, DN có chăn nuôi lợn. Thời gian qua, tổng đàn lợn của các đơn vị gần như được giữ và phát triển ổn định.
Việc tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi, cụ thể là tăng cường phát triển đàn gia cầm, thuỷ sản và gia súc khác giúp Hà Nội bảo đảm đáp ứng đầy đủ lượng thực phẩm cần thiết, ổn định thị trường trong dịp Tết Canh Tý năm 2020.
Sẽ thiếu nhưng không đáng kể
Theo đánh giá, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Hà Nội trong dịp Tết (tháng 1/2020) khoảng 22.000 tấn lợn hơi, tăng 18 – 20% so với những tháng thông thường. So với khả năng sản xuất của Hà Nội hiện nay, sản lượng thịt lợn dự kiến sẽ thiếu khoảng 3.500 tấn lợn hơi.
Đối với lượng thịt lợn thiếu hụt, Sở NN&PTNT Hà Nội chủ trương sẽ tăng sản lượng xuất chuồng trong thời gian tới. Đặc biệt là khai thác từ 24 tỉnh, TP lân cận thuộc Ban Điều phối chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho Thủ đô.

Liên quan tới nguồn cung từ các tỉnh, mới đây, đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh Phú Thọ và Bắc Giang cho biết, sản lượng thịt lợn sản xuất ra bảo đảm đủ cung ứng cho người dân trên địa bàn. Hai tỉnh này dự kiến còn dư 3.000 tấn (Phú Thọ) và 12.000 tấn (Bắc Giang) và sẵn sàng cung cấp thêm cho Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đánh giá, tình hình cung ứng thực phẩm, nhất là thịt lợn cho dịp trước, trong và sau Tết Canh Tý năm 2020 trên địa bàn TP sẽ thiếu không đáng kể nhờ những nỗ lực tái cấu trúc ngành. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã bố trí 31.200 tỷ đổng phục vụ dự trữ hàng hóa dịp Tết, đồng thời, chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm bình ổn mặt hàng thịt lợn. Cùng với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc sẽ nhập thịt lợn trong trường hợp bị thiếu để ổn định thị trường, ông Đăng cho rằng, Hà Nội sẽ không chịu áp lực lớn về thiếu hụt mặt hàng này.