Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của BCĐ 389 quốc gia (17/1).
Các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp
Báo cáo của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia cho thấy, trong năm 2023 lực lượng chức năng cả nước qua kiểm tra đã phát hiện bắt giữ, xử lý 146.678 vụ buôn lậu, hàng giả (tăng 4,95% so với cùng kỳ); nộp ngân sách 14.570,347 tỷ đồng (tăng 14,9%); khởi tố hình sự 616 vụ (giảm 4,05%) đối với 724 đối tượng (tăng 0,56%). Riêng TP Hà Nội đã phát hiện, xử lý 26.535 vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả qua đó thu nộp ngân sách nhà nước: 4.307,7 tỷ đồng (tăng 15,78%).
Thông tin về những thủ đoạn qua mắt lực lượng chức năng để vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia Lê Thanh Hải cho biết, các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng cư dân trên tuyến biên giới để thu gom, tập kết, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Ngoài ra, lợi dụng chính sách thông thoáng trong xuất nhập khẩu hàng hóa, để khai báo thủ tục hải quan điện tử sai tên hàng, chủng loại, xuất xứ, số lượng, trị giá hàng hóa, trà trộn, cất giấu hàng lâu với hàng nhập khẩu chính ngạch. Đồng thời, lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan, hàng quá cảnh… để đánh tráo, rút ruột, vận chuyển, tiêu thụ, thẩm lậu hàng hóa vào nội địa.
Trong nội địa, gia tăng các hoạt động lợi dụng sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, dịch vụ bưu chính, để vận chuyển hàng lậu, không rõ nguồn gốc, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… Sử dụng giấy tờ giả để thành lập doanh nghiệp thực hiện hành vi mua bán trái phép, xuất hóa đơn khống, chuyển tiền trái phép, trục lợi thuế giá trị gia tăng...
Đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thông tin thêm, các đối tượng thường lợi dụng dịch vụ chuyển phát, giao hàng nhanh, tập kết hàng hóa tại nhà riêng, các nhà ở bỏ trống tại các khu chung cư cao tầng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Các sàn thương mại điện tử không yêu cầu người bán công khai thông tin, công ty chuyển phát không phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa, thanh toán qua trung gian... gây khó khăn trong việc xác minh thông tin đối tượng buôn bán hàng lậu.
Xây dựng phương thức chống hàng lậu phù hợp thực tế
Để đối phó, xử lý các phương thức, thủ đoạn trên, tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị BCĐ 389 Quốc gia chỉ đạo các lực lượng chức năng cả nước tăng cường công tác phối hợp liên ngành đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả tại các cửa khẩu biên giới, các ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế... Qua đó ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế mức tối đa hàng hóa nhập lậu được thẩm lậu qua các cửa khẩu biên giới vận chuyển về thị trường nội địa tiêu thụ.
Dưới góc độ địa phương thực hiện hoạt động chống buôn lậu, hàng giả, Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất, lực lượng hải quan sân bay cần tập trung thu thập thông tin, chủ động trong nắm bắt đối tượng, chuyến bay, phương thức thủ đoạn hoạt động, xây dựng phương án điều tra, đấu tranh, ngăn chặn các đường dây buôn lậu hàng hóa qua biên giới.
Đồng thời lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin về các thủ đoạn, qua đó nâng cao kỹ năng phát hiện và đấu tranh với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho biết, mặc dù đã tích cực vào cuộc song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường thương mại điện tử, gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
“Đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tăng cường giám sát các kho hàng, bến bãi, làm tốt công tác ngăn chặn hàng giả trên môi trường điện tử. Đồng thời cần có quy định định danh được người bán để xác định người bán hàng, từ đó xác định được các nghĩa vụ với nhà nước”- ông Linh kiến nghị.
Trước những kiến nghị của các địa phương, lực lượng chức năng, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng công tác phối hợp, qua đó xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm; Chủ động nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới; xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp thực tế,
Đối với các lực lượng chức năng, cần đặc biệt giữ mình, không để xảy ra hiện tượng bao che, tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, sản xuất tiêu thụ hàng giả, đồng thời tăng cường công tác giám sát, thanh tra, điều tra đối với các đối tượng và cả cán bộ trong ngành.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự báo, trong cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi. Để góp phần bình ổn thị trường, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần đề ra các giải pháp phù hợp nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý
Đồng thời rà soát khó khăn, vướng mắc, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhất là với các nước có chung đường biên giới, có đông người Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập để chủ động phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa; tăng cường thông tin đối ngoại trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.