Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Không đi qua các trạm thu phí BOT chỉ có nước bay lên trời”

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Đó là một trong những thực tế đã được các đại biểu nêu ra tại Hội thảo Khoa học Những vấn đề đặt ra đối với dự án BOT và vai trò của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) ngày 15/9/2016.

Thực tế, hiện nay, các dự án BOT được chọn hầu hết đều nằm trên trục đường quốc lộ độc đạo (Quốc lộ 1, Quốc lộ 14). “Vì thế, các phương tiện giao thông không có quyền lựa chọn. Ra đường là mất phí, muốn không mất phí chỉ còn cách bay lên trời”- ông Lê Quốc Đạt bày tỏ. 
Ông Lê Quốc Đạt- Phó Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) cho biết, thời gian qua, Bộ KHĐT đã tiến hành thanh tra 11 dự án BOT trên quốc lộ 1A. Quá trình thanh tra đã chỉ ra khá nhiều bất cập, thiếu sót và chưa hoàn thiện trong công tác thu phí hoàn vốn của các dự án này.
 Ảnh minh họa

Về vị trí các trạm thu phí, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo. “Hầu hết các Dự án BOT triển khai trên những con đường độc đạo, không có đường gom, đường nhỏ bên ngoài. Nhiều phương tiện giao thông, dù chỉ đi 1 km nhưng vẫn mất 15.000 đồng/lượt tiền phí qua trạm BOT. Nếu không chấp nhận mất phí, các phương tiện chỉ có cách bay mà thôi”- ông Đạt nói vui.

Đại diện cơ quan thanh tra Bộ KHĐT kiến nghị, nên có những con đường nhỏ, đường gom để người dân có cơ hội lựa chọn. “Tôi đi ngắn, tôi không cần dịch vụ cao, tôi có thể dùng đường nhỏ với mức phí vừa phải hơn”- ông Đạt đề xuất.

Đồng quan điểm này, ông Ngô Văn Quý – Kiểm toán trưởng KTTT Chuyên ngành IV nêu ra thực tế, hiện nay, các dự án BOT được chọn hầu hết đều nằm trên trục đường quốc lộ độc đạo (Quốc lộ 1, Quốc lộ 14). Các phương tiện giao thông không có quyền lựa chọn, dự án trở thành độc quyền. Vì vậy, nhà đầu tư tìm mọi cách để thu lợi nhuận cao.

Cũng theo đại diện KTNN, hiện nay, chưa có quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư BOT. Muốn có hiệu quả, dự án được chọn phải là dự án xây mới và không là dường, cầu độc đạo để người dân có quyền lựa chọn lưu thông vào một trong 2 tuyến. Như vậy, buộc nhà đầu tư phải xây dựng với chi phí thấp, giá phí thấp nhất để thu hút phương tiện giao thông lưu thông.

Ngoài ra, cũng có tình trạng, người dân không hề sử dụng Dự án BOT nhưng vẫn buộc phải nộp phí mới được đi qua do vị trí đặt các trạm thu phí này thiếu hợp lý. Do chưa có quy định về việc trạm thu phí phải nằm trong vi dự án nên một số trạm thu phí được đặt ở vị trí không hợp lý. Công trình một nơi, thu phí một nơi, tạo sự bất bình đẳn và gây bức xúc cho dư luận. Ví dụ, trạm thu phí của Dư án BOT hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia lại đặt ở km894 trên quốc lộ 1 trước hầm Hải Vân. Điều này khiến người dân Thị trấn Lăng Cô khi đi lại, giao dịch với TP Đà Nẵng không hề sử dụng hầm đường bộ Phước Tượng- Phú Gia mà vẫn phải trả phí. Hay Dự án BOT tuyến tránh TP Vĩnh Yên lại tổ chức thu phí tại Bắc Thăng Long- Nội Bài.

Thậm chí, là trường hợp “lẩu thập cẩm công trình thu phí” như việc nhà đầ tư sử dụng trạm thu phí Cầu Bến Thủy I và trạm thu phí Cầu Bến Thủy II để hoàn vốn cho các Dự án. Dự án tuyến tránh TP Vinh, Dự án Nam Bến Thủy- tuyến tránh TP Hà Tĩnh. Dự án nút giao thông QL 46 và Dự án Cầu Yên Xuân. Những người dân ở các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và Thị xã Hà Tĩnh của tỉnh Hà Tĩnh nếu chỉ đi qua cầu Bến Thủy II có thể không ngờ được rằng mình đang cõng phí cho vài dự án khác ở đâu đó tỉnh bên tỉnh Nghệ An.