Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục tăng thấp nhưng mặt bằng lãi suất không giảm theo. Vậy nút thắt nào khiến lãi suất khó có thể giảm được, thưa ông?
- Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong năm 2015 đã đạt được một số kết quả như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… Tuy nhiên, hiện các DN trong nước vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là lãi suất cho vay vẫn quá cao, dao động ở mức 8 - 11%/năm.
Lãi suất ở Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố để điều hành. Ngoài lạm phát là một biến số để xem xét, còn phụ thuộc vào chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng (NH); lợi nhuận và khả năng thanh khoản của từng NH; nợ xấu… Tất cả chi phí cho nợ xấu hiện chạy hết vào lãi suất cho vay. Chủ yếu là trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu và tập trung tái cơ cấu.
Trong một tuần trở lại đây, lãi suất huy động lại nhích dần lên. Một số NH đã tăng lãi suất thêm 0,25 - 0,5%. Đặc biệt, khác với những lần tăng lãi suất trước chỉ tăng ở các kỳ hạn ngắn thì lần này, các NH tăng ở cả kỳ hạn dài. Giải mã hiện tượng này thế nào? Có nguy cơ lãi suất cho vay tăng theo hay không?
- Động thái tăng lãi suất này của các NH chủ yếu nhằm cân đối lại nguồn vốn, tức thu hút vốn dài hạn nhiều hơn nhằm phục vụ cho vay trung, dài hạn. Nhu cầu vốn đang tăng lên, lãi suất huy động cũng đang tăng lên để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng hiện nhanh hơn tăng trưởng huy động và có thể còn tiếp tục gia tốc tốt hơn về cuối năm theo yếu tố mùa vụ. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do áp lực rủi ro tỷ giá trong thời điểm cuối năm, bởi rất nhiều nước đã phá giá đồng nội tệ cao hơn nhiều. Sau đợt phá giá mạnh hồi tháng 8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục đưa ra thông điệp sẽ không phá giá thêm VND cho tới cuối năm (đã tính đến kịch bản Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất trở lại). Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý giữ USD hơn giữ VND. Chưa hết, còn một biến số nữa là lợi tức đem lại giữa việc gửi tiền VND và lợi tức đầu tư vào các tài sản tài chính khác như chứng khoán hay bất động sản. Với sự hồi phục ít nhiều của thị trường bất động sản hiện nay, các NH phải tăng lãi suất huy động để thu hút khách gửi tiền.
Dù lãi suất huy động tăng nhưng tôi cho rằng, không nên quá lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng. Thời điểm này, NHNN sẽ không tăng lãi suất cho vay. Gần đây, NHNN đã giảm trần lãi suất tiền gửi USD của tổ chức kinh tế và cá nhân tại các NH thương mại lần lượt xuống mức 0% và 0,25% (thay cho các mức 0,25% và 0,75% trước đây). Mục tiêu quan trọng nhất của quyết định này là nhằm giảm động cơ găm giữ ngoại tệ của DN và người dân. Trong bối cảnh không muốn tăng lãi suất VND thì việc giảm trần lãi suất USD cũng sẽ giúp nới rộng chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa hai đồng tiền này, sẽ có tác động kích thích, giúp chuyển đổi một phần tiền gửi ngoại tệ sang VND, từ đó giúp tăng cung USD, giải tỏa căng thẳng tỷ giá cũng như cải thiện thanh khoản tiền đồng cho hệ thống NH. Ngoài ra, lạm phát đang giảm cũng là một trong những yếu tố làm cho lãi suất cho vay không đi lên.
Vậy trong bối cảnh hiện nay, biên độ giảm lãi suất cho vay có còn hay không? Theo ông, muốn giảm thì NHNN cần làm gì?
- Lãi suất thực dương có lợi cho người gửi tiền nhưng gây khó khăn cho DN làm tăng chi phí sản xuất và giảm khả năng cạnh tranh của DN trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Để đẩy lãi suất xuống, NHNN phải can thiệp mở rộng cung tiền, bơm dòng tiền vào trong thị trường liên ngân hàng để các NH tăng nguồn tiền. Nhưng làm như vậy sẽ gây áp lực lên lạm phát khi mà các thách thức vẫn tồn tại (nền kinh tế mới trải qua lạm phát cao và kéo dài, nguyên nhân chính là do chính sách tiền tệ mở rộng quá mức, kết hợp với sự thiếu hiệu quả trong hoạt động đầu tư).
NHNN đang ở giữa hai vấn đề ổn định đồng tiền và phát triển kinh tế, kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, để hỗ trợ DN, vấn đề hạ lãi suất vẫn phải tính đến. NHNN có thể mua vào các giấy tờ có giá ngắn hạn và bán ra trái phiếu với giá trị tương ứng. Việc mua - bán này sẽ không làm thay đổi cung tiền, do vậy sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát nhưng lại có tác dụng có thể ngay lập tức làm tăng lượng cung tiền kỳ hạn ngắn, qua đó làm giảm lãi suất huy động ngắn hạn. Đồng thời, biện pháp này làm giảm lượng vốn, tăng lãi suất huy động trung, dài hạn, giúp dịch chuyển khoản tiền gửi tiết kiệm "thực sự" từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài. Điều này giúp giảm chi phí vốn đối với nền kinh tế, qua đó thúc đẩy hoạt động đầu tư để kích thích tăng trưởng.
Bên cạnh chính sách tiền tệ, Nhà nước cũng nên tăng cường kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ; đặc biệt là giá cước vận tải chưa giảm tương thích với mức độ giảm giá nhiên liệu nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, giảm thêm chi phí sản xuất, kích thích DN mở rộng hoạt động.
Xin cảm ơn ông!