Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không nên chỉ là mệnh lệnh hành chính

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển nhà ở giá rẻ phục vụ đại bộ phận người dân, trong đó có nhà ở xã hội (NƠXH) là vấn đề được Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, thời gian qua kết quả thực hiện không đạt mục tiêu đề ra, bởi cơ chế, chính sách cho NƠXH vẫn nặng tính mệnh lệnh. “Cơn khát” nguồn cung nhà ở, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày càng leo thang, trong khi các dự án được cấp phép đầu tư mới vẫn trong tình trạng nhỏ giọt.

Tính riêng tại địa bàn Hà Nội, theo số liệu của các đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản, mỗi năm TP thiếu khoảng 50.000 căn hộ, nhưng trong quý II/2024, TP chỉ cấp phép thêm được 4 dự án nhà ở thương mại, không có dự án NƠXH nào. Khi nguồn cung thiếu hụt mà nguồn cầu lớn, tất yếu giá bán sẽ được đẩy lên cao.

Số liệu báo cáo thị trường bất động sản của Hà Nội quý II/2024 từ Bộ Xây dựng đã chỉ rõ điều này, theo đó chỉ số giá nhà ở tại Hà Nội trong tháng 6/2024 tăng thêm khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Một số dự án nhà ở thương mại còn ghi nhận mức giá tăng đến trên 30% như: dự án khu đô thị Royal City tăng 33%; the Pride 33%...

Để mở rộng nguồn cung, bình ổn giá bán nhà trên thị trường, căn cứ theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án Xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH giai đoạn 2021 - 2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 3627/2022/QĐ-UBND, xác định chỉ tiêu phát triển mới NƠXH đến năm 2025 khoảng 1,25 triệu mét vuông sàn, đến năm 2030 khoảng 2,5 triệu mét vuông sàn.

Nhưng nếu nhìn vào danh sách công bố các dự án nhà ở đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ. Cụ thể, trong số 9 dự án nhà ở được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, chỉ có duy nhất 1 dự án NƠXH, đó là dự án NƠXH CT-05, CT-06 thuộc dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh) do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị làm chủ đầu tư.

Như vậy, nếu căn cứ theo Quyết định 338/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", trong đó giao chỉ tiêu cho Hà Nội là 56.200 căn (18.700 căn giai đoạn 2021 - 2025 và 37.500 căn giai đoạn 2026 - 2030), việc hoàn thành chỉ tiêu của Đề án, đồng thời hoàn thành mục tiêu phát triển mới NƠXH theo Quyết định 3627/2022/QĐ-UBND, nhằm gia tăng nguồn cung nhà ở, bình ổn giá bán nhà trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới là hết sức nan giải.

Thời gian qua, Nhà nước đã dành nhiều cơ chế ưu đãi cho phát triển NƠXH như: miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuế thu nhập DN, vay vốn với mức lãi suất ưu đãi... Song, trên thực tế công tác phát triển NƠXH vẫn không đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra, đơn cử như giai đoạn 2011 - 2020, mục tiêu là hoàn thành xây dựng 12,5 triệu mét vuông sàn NƠXH, nhưng chỉ hoàn thành được khoảng 42%.

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển NƠXH với mục đích giảm “cơn khát” nguồn cung nhà ở và bình ổn giá bán nhà, rất cần những hành động thiết thực, đơn cử như việc hạn chế cấp phép mới các dự án nhà ở thương mại, nhà ở cao cấp để dành đất cho NƠXH; hay giảm tải các quy trình, thủ tục hành chính cho những dự án NƠXH... Mục tiêu phát triển NƠXH không thể hoàn thành nếu chỉ là hô hào khẩu hiệu theo mệnh lệnh hành chính.