Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Không nên giới hạn cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại khu công nghệ cao

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng, về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại Điều 41, không nên chỉ giới hạn tại khu công nghệ cao, vì một số công nghệ cần thử nghiệm trong không gian thực tế để đánh giá hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn TP Đà Nẵng) góp ý về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn TP Đà Nẵng) góp ý về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh: Quochoi.vn

Nêu lý do không nên chỉ giới hạn thử nghiệm có kiểm soát tại khu công nghệ cao, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng, việc giới hạn thử nghiệm có kiểm soát tại khu công nghệ cao có thể không phù hợp để giúp phát triển công nghệ. Có một số công nghệ cần được ứng dụng trong không gian thực tế, cần có cư dân sinh sống mới có hiệu quả.

Đại biểu dẫn ví dụ như robot giao thức ăn tự hành cần có nơi, có cư dân sinh sống, bán thức ăn để thử nghiệm cho thức ăn đến nhà dân trong khi tại các khu công nghệ cao có rất ít người dân sinh sống. Nếu chỉ cho phép thử nghiệm trong khu công nghệ cao, sẽ có rất ít nhu cầu đặt hàng do đa số nhân viên tại các công ty phải ăn trong căng tin. Ngoài ra, các loại robot và xe tự hành cần có giao thông thực tế dù mật độ thấp để mô hình trí tuệ nhân tạo có thể học và phát triển.

"Các mô hình trí tuệ nhân tạo như một em bé cần được học nhiều tình huống khác nhau, nếu chỉ thử nghiệm trong khu vực khép kín, phòng thí nghiệm sẽ không học được nhiều. Tất nhiên, khi thử nghiệm trong thực tế phải đảm bảo có cơ chế kiểm soát an toàn và có người giám sát. Kinh nghiệm tại các nước như ở Anh năm 2013, Chính phủ nước Anh đã cho phép thử nghiệm xe tự hành ở khu vực công cộng sau một thời gian được tiến hành trong các khu vực tư nhân"- đại biểu Duy Minh phân tích.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần làm rõ phạm vi áp dụng. Hiện tại Khoản 2 Điều 41 Dự thảo Luật chưa làm rõ việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Điểm a Khoản 2 Điều 41 Dự thảo Luật chỉ ra các giải pháp công nghệ mới nhưng lại giới hạn ở khu vực công nghệ cao. Giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt, chip bán dẫn vật liệu mới nhưng chỉ được thực hiện trong khu công nghệ cao.

Điểm b của Khoản 2, Điều 41 Dự thảo Luật cũng nêu địa điểm thử nghiệm mà không đề cập cụ thể đến lĩnh vực công nghệ thử nghiệm là gì, để thúc đẩy thương mại và văn hóa ở một số địa điểm trên địa bàn Thủ đô có tiềm năng, lợi thế. Vì vậy, đại biểu đề nghị chỉnh lý Khoản 2 và bổ sung Khoản 3 quy định riêng về địa bàn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cũng như bổ sung một số lĩnh vực công nghệ.

Cụ thể như điểm a quy định, các giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất vi mạch điện tử tích hợp chế tạo tự động hóa, điện tử linh hoạt, chip bán dẫn, vật liệu mới, các giải pháp, biện pháp giảm phát thải carbon ứng phó với biến đổi khí hậu. Điểm b quy định, các giải pháp trong công nghệ số trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường và đô thị thông minh...

Về thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ "quy định tại khoản 1 Điều 25 của luật này" và quy định như sau: "thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, được huy động các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài ngân sách để đầu tư mạo hiểm, thúc đẩy ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ để thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát do UBND TP Hà Nội quyết định thành lập".