KTĐT - Một cuộc thảo luận để tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống tội phạm, bạo lực trong học sinh phổ thông vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức. Việc học sinh thiếu tôn trọng thầy cô, coi thường kỷ luật của nhà trường, thích thể hiện bản thân một cách thái quá, yêu đương không lành mạnh, xa rời chuẩn mực đạo đức chúng, gian lận trong học tập và thi cử... là những biểu hiện đáng lo ngại trong học sinh phổ thông hiện nay.
Theo Thiếu tướng Đỗ Văn Rụ, Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), qua 5 năm (1999 - 2004), cả nước đã phát hiện 37.707 vụ phạm tội do người chưa thành niên gây ra với 53.426 em vi phạm. Từ năm 2000 - 2006, tội phạm do trẻ em và người chưa thành niên gây ra 74.389 vụ với 95.103 em. Riêng năm 2006, đối tượng này gây ra 10.468 vụ với 16.446 em… Theo báo cáo của 38 Sở GD&ĐT, từ năm 2003 đến nay có 8125 học sinh tham gia đánh nhau, bị các trường xử lý kỷ luật. Trong tháng 9, tháng ATGT, tại Hà Nội có trên 600 học sinh và sinh viên vi phạm Luật Giao thông bị Cảnh sát giao thông xử lý, thông báo về trường. Năm 2004, chỉ có 600 học sinh, sinh viên nghiện ma túy thì đến năm 2007, con số này đã tăng lên 1.234 học sinh, sinh viên. Càng lớn, ý thức đạo đức của học sinh càng đi xuống và sự gia tăng đột biến của tệ nạn học đường ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối.
Ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ các học sinh chưa có nhận thức và hành vi đúng đắn, lối sống ích kỷ, ham hưởng thụ, đua đòi, chạy theo các giá trị vật chất. Ngoài những vụ việc tội phạm hình sự, tình trạng học sinh vi phạm tệ nạn xã hội như “nghiện” game, chat, ma túy… cũng gây nhức nhối trong dư luận xã hội.
Đi tìm ra giải pháp để rèn đức cho học sinh, nhiều người băn khoăn trước ba câu hỏi: Tại sao môn giáo dục công dân được tổ chức dạy chính khóa từ tiểu học đến THPT mà hiệu quả lại không được như mong muốn? Tại sao những cuộc họp Hội đồng kỷ luật không đem lại kết quả như mong đợi? Muốn có bước đột phá trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thì phải làm gì?
Ông Nguyễn Văn Đồng, trường THPT Mê Linh (Hà Nội) cho rằng, không nên ném trẻ ra ngoài xã hội, không đẩy trẻ về với gia đình, Cần thể hiện rõ hơn vai trò của nhà trường, của ngành giáo dục trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong phạm vi giáo dục nhà trường, ông Đồng đề ra giải pháp là người hiệu trưởng phải có đủ các kế hoạch giáo dục đạo đức và kế hoạch phải khả thi, biết sử dụng đúng người, kín việc. Bồi dưỡng kỹ năng giáo dục đạo đức cho giáo viên chủ nhiệm, cho Đoàn thanh niên và tổ chức phối hợp giáo dục nhà trường với các lực lượng xã hội khác.
Hiện có một thực tế là giáo viên chủ nhiệm là người tham gia thường xuyên trong giáo dục đạo đức lối sống, nhưng lại chưa có một khóa đào tạo chính thức nào cho giáo viên chủ nhiệm, công tác chủ nhiệm chủ yếu là kiêm nhiệm, làm thêm. Chính vì vậy, không nhiều giáo viên chủ nhiệm thực sự có kỹ năng sống, kỹ năng phối hợp làm việc và có tâm huyết với giáo dục đạo đức cho học sinh. Ông Mai Sỹ Nhật, trưởng phòng công tác học sinh sinh viên Sở GD&ĐT Hà Nội lại bảy tỏ quan điểm, chính việc xây dựng chương trình, tài liệu, đưa vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống… thành vấn đề chính thống trong nhà trường mới là giải pháp thực sự bền vững. Hiện một tháng học chỉ có bốn tiết sinh hoạt ngoài giờ, lại chưa được đầu tư thỏa đáng, định hướng không rõ ràng nên hiệu quả không cao.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, Đoàn Thanh niên và Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm lớn nhất trước xã hội về đạo đức lối sống của học sinh. Việc giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài và đồng bộ. Như việc xây dựng đội ngũ giáo viên có chuyên môn và đạo đức tốt, đặc biệt là xây dựng lực lượng giáo viên chuyên thực hiện việc này và đội ngũ giáo viên làm công tác đoàn đội… Theo Thứ trưởng, tới đây, khi lấy ý kiến xây dựng chương trình SGK mới, Bộ sẽ chú trọng tới việc làm thế nào để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh hiệu quả hơn, từ mầm non đến phổ thông. Trước mắt, Bộ sẽ lấy ý kiến đánh giá về nội dung chương trình môn Giáo dục công dân, có đề xuất về đội ngũ giáo viên môn học này. Mặt khác, Bộ cũng đang xây dựng một tài liệu hướng dẫn tích hợp giáo dục kỹ năng sống trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Hy vọng, tình trạng vi phạm đạo đức của học sinh sẽ có sự chuyển biến tốt.