Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Không quốc gia nào muốn nghiêng hẳn về một phía trong cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ"

Lan Hương (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định của giáo sư David Shambaugh, Đại học George Washington (Mỹ), người đã có nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc.

Nhận định về mối quan hệ và vai trò giữa hai cường quốc tại khu vực Đông Nam Á, GS David Shambaugh cho rằng, đây là quan hệ "hợp tác cạnh tranh".
Thưa GS, ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á?
 - Giữa hai nước luôn có sự cạnh tranh trong việc đặt ảnh hưởng lên khu vực. Hai nước luôn theo sát chính sách của nhau. Chính vì vậy, chính sách của Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á thường có sự tương tác, phản ánh lẫn nhau. Mỗi quốc gia đều có điểm mạnh, yếu nhưng đều muốn bao phủ ảnh hưởng của mình lên thế giới. Trong cuộc cạnh tranh này, quyền lực “mềm” trở nên ngày càng quan trọng.
GS David Shambaugh.
Xin GS cho biết chi tiết hơn về tương quan trong cuộc cạnh tranh quyền lực “mềm” giữa hai cường quốc đối với khu vực?
- Kể từ năm 1975, Mỹ đã xem khu vực Đông Nam Á là mục tiêu mới và có sự thay đổi hướng hợp tác. Từ thời Tổng thống Bill Clinton đến nay, Washington luôn thể hiện chính sách tái thiết lập quan hệ xuyên suốt với khu vực Đông Nam Á. Trong suốt quá trình này, có lúc thăng, lúc trầm nhưng thời kỳ chính quyền Tổng thống Barack Obama là có sự thiết lập mạnh mẽ, toàn diện và có sự tập trung nhất.
Dưới thời Tổng thống Obama, vai trò ngoại giao, chính trị của Washington tại Đông Nam Á là rất rõ. Tổng thống Obama từng nhấn mạnh, xây dựng quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á là ưu tiên số một.
Về thương mại, ASEAN là một trong những đối tác chiến lược của Mỹ và là đối tác lớn thứ 3 trên toàn thế giới. Hàng năm, Mỹ đầu tư hơn 200 tỷ USD vào Đông Nam Á. Số công ty Mỹ đặt trụ sở tại Singapore đã lên đến 3.700 công ty. Hiện cũng có khoảng gần 55.000 du học sinh của các nước ASEAN học tại Mỹ. Còn với Việt Nam, quan hệ an ninh đã được gia tăng rất nhiều trong những năm vừa qua. Dấu ấn của Mỹ tại ASEAN là rất rõ ràng.
Xét về địa lý, Trung Quốc có lợi thế hơn Mỹ. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không cân nhắc yếu tố lịch sử khi đề cập đến vai trò của Trung Quốc đối với khu vực. Các triều đại Trung Quốc trong lịch sử thường có các cuộc giao tranh theo hướng đàn áp. Vì vậy, quyền lực của Bắc Kinh trong khu vực mang tính bành trướng. Việc bành trướng của Bắc Kinh trong xây dựng các đảo nhân tạo trái phép và thể hiện ý muốn thao túng Biển Đông về cho mình, khiến các nước trong khu vực cũng như trên thế giới quan ngại. Điều này dẫn đến việc một số nước vẫn có chính sách ngoại giao thận trọng với Bắc Kinh, tránh sự chi phối độc quyền và nguy cơ bị phụ thuộc vào Trung Quốc.
GS có dự đoán gì về mối quan hệ giữa Mỹ - Trung trong thời gian tới, nhất là khi các chính sách của Tổng thống Trump vẫn khó đoán?
- Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là quan hệ “hợp tác cạnh tranh”, vừa hợp tác nhưng vẫn có sự cạnh tranh “mềm”. Tình trạng cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh, nếu tăng cao sẽ khiến cục diện trở nên căng thẳng. Bản thân hai quốc gia không hề muốn điều này. Bên cạnh đó, các đối tác của cả Mỹ và Trung Quốc cũng không bao giờ muốn rơi vào tình thế phải chọn một trong hai nước hay nghiêng hẳn về bên nào.
Thực tế, Bắc Kinh và Washington vẫn phải hợp tác để giải quyết nhiều vấn đề của khu vực như chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và các vấn đề an ninh phi truyền thống như vấn đề hạn chế buôn bán người, biến đổi khí hậu... Cuộc điện đàm vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt lối đi cho quan hệ 2 nước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đợi thời gian trả lời cho quá trình hợp tác.
Động thái bành trướng ở Biển Đông của Trung Quốc khiến các quốc gia trong khu vực thận trọng.
Vậy theo GS, ASEAN nên ứng xử như thế nào?
- Từ trước đến nay, khối ASEAN luôn giữ thái độ trung lập, không liên kết với quốc gia nào để chống lại quốc gia nào. Đây không chỉ là quan điểm của một nước mà tất cả chính phủ các nước trong khối. Các nước luôn loại bỏ quyền lực bên ngoài tạo ảnh hưởng lên khối. Điều này đã tạo nên sự hòa bình và ổn định của khối.
Đối mặt với việc tăng cường quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, cách tốt nhất mà các nước ASEAN có thể thực hiện là xây dựng khung hoạt động chung cho các quốc gia tuân thủ. Tuy nhiên, tôi lưu ý rằng, một bộ khung luật là không đủ. Các nước ASEAN phải có được sự đồng thuận và tiếng nói chung để chuyển đổi cục diện. Trung Quốc có thể không đồng ý tuân thủ nhưng ASEAN không nên bỏ qua các nỗ lực đảm bảo an ninh khu vực.
Xin cảm ơn Giáo sư!