Không trả đủ tiền lương, ép mua hàng bị phạt tới 75 triệu đồng

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng.

Người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng. Ảnh: Phạm Hùng.
Người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng. Ảnh: Phạm Hùng.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong đó Điều 17 Vi phạm quy định về tiền lương nêu rõ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: Thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng; không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức.

Người sử dụng lao động không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; quy chế thưởng; không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định; không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau cũng bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng khi có một trong các hành vi như: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng .

Phạt tiền 3.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có các hành vi không trả hoặc trả không đủ cùng lúc với kỳ lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Cùng với việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, đó là trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của hệ số lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất gửi tiền không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định.

Người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định.