Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khúc biến tấu mới của rối nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 12 tới, dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Múa rối Việt Nam và Tổ chức Interart Riviera SA (Pháp) sẽ mang rối nước Việt vào hành trình lưu diễn dài ngày tại Pháp.

 Đây sẽ là khúc biến tấu mới của rối nước - một sáng tạo mang tính hội nhập - khi rối nước diễn câu chuyện cổ tích của Andecxen trên nền nhạc Pháp.

 

Biến tấu

 

Không phải đến bây giờ rối nước mới mạnh dạn đặt các tích trò dân gian sang một bên để đưa câu chuyện mang hương sắc văn hóa nước ngoài vào không gian thủy đình. 8 năm trước (năm 2005), các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã đặt những chú rối gỗ "sống" trong những cốt truyện cổ tích của Andecxen. Một không khí mới như được tạo lập trên sân khấu rối nước, lạ hơn với công chúng trong nước và gần hơn với khán giả nước ngoài. Thế nên, chùm tiết mục rối nước "Truyện cổ Andecxen" gồm 3 câu chuyện "Vịt con xấu xí", "Nàng tiên cá" và "Chú lính chì dũng cảm" đã được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan múa rối quốc tế năm 2010.

 
Tiết mục “Nàng tiên cá” được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan múa rối nước quốc tế năm 2010 cũng có mặt trong chuyến lưu diễn tại Pháp vào tháng 12 tới.  Ảnh:  Hà Thành
Tiết mục “Nàng tiên cá” được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan múa rối nước quốc tế năm 2010 cũng có mặt trong chuyến lưu diễn tại Pháp vào tháng 12 tới. Ảnh: Hà Thành

Song mới đây, chính nhóm nghệ sĩ múa rối đã dựng "Truyện cổ Andecxen" này thêm những nét biến tấu mới cho vở diễn. Ấy là tạo hình các chú rối nhỏ lại để phù hợp với bể nước chỉ cao 50cm ở Bảo tàng nghệ thuật Quai Branly (Pháp) và cho những chú rối ấy nhảy múa, bày tỏ cảm xúc trên nền nhạc Pháp. Họa sĩ Ngô Quỳnh Dao đã dành mấy tháng liên tục để các quân rối nên hình hài mới, nhạc sĩ người Pháp Henry Togue thì thực hiện phiên bản âm nhạc mới cho 3 tiết mục rối với mục tiêu đẩy nhanh tiết tấu và tạo kịch tính ở cao trào. Và cuối tháng 10 vừa rồi, các công đoạn đã "ăn khớp" tạo nên biến tấu mới cho rối nước Việt.

 

Khởi nguồn cho ý tưởng thay đổi kích cỡ các con rối và đổi nhạc "ngoại" cho vở diễn chính là từ tấm Huy chương Vàng mà chương trình "Truyện cổ tích Andecxen" đã đoạt được từ năm 2010. Tại Liên hoan múa rối quốc tế, ông Jean Luc Larguier - Giám đốc Tổ chức Interart Riviera SA, người có hơn 30 năm nghiên cứu rối nước Việt Nam, đã đầy cảm hứng với cách kể chuyện cổ tích bằng các con rối. Ông đã đặt vấn đề hợp tác để nâng cấp chương trình nhằm đưa vở diễn đến Pháp. Hiện tại, nhìn các con rối uyển chuyển trên nền nhạc Pháp, ông Larguier rất tự tin: "Dự án này sẽ được người dân Pháp yêu thích. Nghệ thuật rối nước của Việt Nam quá hấp dẫn, lãng mạn và thật tuyệt vời khi rối nước đủ khả năng truyền tải nguyên vẹn tinh thần nhân bản, tình yêu hòa bình trong những câu chuyện cổ tích của Andecxen".

 

Để hội nhập…

 

Đúng như Phó Giám đốc Nguyễn Tiến Dũng - Nhà hát Múa rối Việt Nam bày tỏ, dự án là một sự kiện đối với các nghệ sĩ múa rối Việt Nam bởi không chỉ mở ra một chuyến lưu diễn dài kỳ tại Pháp để quảng bá nghệ thuật Việt. Mà quan trọng hơn, dự án đã cho thấy rối nước truyền thống hoàn toàn có thể ứng biến linh hoạt, không chỉ bó hẹp trong các tích trò như chú Tễu, cày cấy, múa rồng… như nhiều người vẫn nghĩ. Nghĩa là những quân rối mang hồn Việt hoàn toàn có thể truyền tải câu chuyện nước ngoài trên nền nhạc "ngoại"; rối nước Việt không chỉ quẩn quanh ở thủy đình, ao làng, sân khấu trong nước, mà có thể mở rộng góc nhìn, tiếp cận với nghệ thuật đương đại, tìm khán giả trong những không gian biểu diễn hiện đại. Đây là điều cần thiết để nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật múa rối nước nói riêng hội nhập với nghệ thuật trên thế giới.

 

Còn nhớ cách đây không lâu, múa rối đã từng có những biến tấu mang tính thể nghiệm trong vở "Hồn quê". Các nghệ sĩ đã đưa lên sân khấu cả nghệ thuật múa lẫn nghệ thuật sắp đặt hiện đại, để trên nền đó các con rối mang dáng dấp Việt thể hiện bản sắc và thông điệp của mình. Dù vẫn còn những tranh cãi quanh câu hỏi "có còn là rối Việt?", song vở diễn đã được giới trong nghề đánh giá cao, công chúng nước ngoài đón nhận nhiệt thành. Điều đó ít nhiều cho thấy, những thể nghiệm mới đối với nghệ thuật truyền thống rất cần thiết trong việc tạo điểm nhấn, tạo sự mới lạ cho nghệ thuật và đưa nghệ thuật Việt ra thế giới.