Khủng bố - bóng ma đe dọa an ninh toàn cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 10 ngày đầu của tháng lễ Ramadan, vốn được dành để cầu xin “sự nhân từ của thánh Allah” đã bị hoen ố bởi các vụ khủng bố xuyên lục địa.

Dù đã khẳng định các vụ khủng bố tại Pháp, Tunisia và Kuwait ngày 26/6 không liên quan đến nhau nhưng những gì xảy ra trong ngày thứ Sáu đen tối vừa qua cho thấy hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa nguy hiểm của khủng bố.

Từ “sói đơn độc”…

Chưa đầy nửa năm sau vụ tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Herbo và vụ bắt giữ con tin tại một siêu thị giữa lòng Thủ đô Paris, nước Pháp một lần nữa lại đối mặt với “nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan”. Vụ tấn công vào nhà máy khí công nghiệp với một người bị chặt đầu ở gần TP Lyon của Pháp khiến người dân nước này run sợ. Nguy hiểm hơn nữa “con sói đơn độc” có tên Yassin Salhi còn nuôi ý đồ làm nổ tung nhà máy sản xuất khí đốt nằm trong khu công nghiệp tại Isère. Rất may hắn chưa thực hiện được âm mưu này.
Cảnh sát dẫn độ nghi can tham gia cuộc tấn công vào một khách sạn ở Sousse, Tunisia ngày 26/6. 	Ảnh: REUTERS
Cảnh sát dẫn độ nghi can tham gia cuộc tấn công vào một khách sạn ở Sousse, Tunisia ngày 26/6. Ảnh: REUTERS
Không chỉ là vụ tấn công khủng bố man rợ với hình thức chặt đầu nạn nhân, diễn biến này còn khiến nhiều người phẫn nộ khi kẻ khủng bố đã ra tay tàn độc với chính người đã nhận hắn vào làm việc trong bối cảnh nước Pháp đang đau đầu với nạn thất nghiệp. Đây cũng là một phép thử đối với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Nội các của ông, bởi các luồng dư luận trong nước đang chỉ trích sự bất lực của các cơ quan an ninh, tình báo Pháp. Các cơ quan này đã thất bại trong việc phát hiện “lốt cừu” của “con sói đơn độc” Yassin Salhi khi tên này từng được cơ quan tình báo Pháp lập hồ sơ do có liên hệ mật thiết với phái Hồi giáo Salafist từ năm 2006.

…đến “khủng bố đen”

Chỉ vài tiếng sau vụ tấn công ở Pháp, bầu không khí tang tóc đã bao trùm bãi biển thuộc khu nghỉ dưỡng Sousse - miền Đông Tunisia khi một phần tử khủng bố thực hiện vụ xả súng cướp đi sinh mạng của ít nhất 28 người, trong đó phần lớn là công dân Anh quốc. Sousse là một trong những khu nghỉ dưỡng biển nổi tiếng nhất của Tunisia, thu hút rất nhiều du khách nước ngoài, chủ yếu là từ châu Âu. Điều đáng nói là an ninh tại Tunisia đã được đặt trong tình trạng báo động cao từ tháng 3 sau khi các tay súng Hồi giáo cực đoan tấn công bảo tàng Bardo ở Thủ đô Tunis và sát hại 22 người, trong đó phần lớn là du khách nước ngoài.

Trong khi đó tại Kuwait, vụ đánh bom tự sát đầu tiên xảy ra tại một nhà thờ Hồi giáo dòng Shiite khiến 27 người thiệt mạng, hơn 200 người bị thương đã làm mối quan hệ khá yên ả giữa người Sunni và người Shiite dậy sóng. Nhóm tự xưng Tỉnh Najd có liên hệ với IS đã lên tiếng khẳng định Abu Suleiman al-Muwahhid - thành viên của nhóm đã tiến hành vụ đánh bom vì cho rằng ngôi đền đã truyền giáo lý của người Hồi giáo dòng Shiite cho người Hồi giáo dòng Sunni. Trước đó, nhóm Tỉnh Najd đã tiến hành nhiều vụ đánh bom tương tự vào các ngôi đền của người Shiite ở Ả Rập Saudi.

Trước một loạt vụ tấn công xuyên lục địa xảy ra hôm 26/6, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon đã kịch liệt lên án các vụ tấn công “kinh hoàng” này và cho rằng những kẻ gây ra các vụ tấn công này cần phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc của công lý. Chính phủ Mỹ cũng lập tức lên án “những vụ tấn công tàn bạo” tại 3 quốc gia trên, đồng thời bày tỏ sự đoàn kết với các nước này và những nỗ lực để “đấu tranh chống hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố”. Đúng như Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi khẳng định: “Các nhóm khủng bố là mối đe dọa chung, các nước trong khu vực và thế giới cần nghiêm túc phối hợp ngăn chặn”, ngoài đối sách của từng quốc gia, hơn lúc nào hết thế giới cần đoàn kết để tìm ra một phương thức đối phó với chủ nghĩa cực đoan kiểu mới.