Khuyến mại để kích cầu

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ra đời từ năm 2009, Tháng Khuyến mại là sự kiện khuyến mại quy mô lớn diễn ra thường niên vào tháng 11, qua đó kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt Nam.

Người tiêu dùng mua sản phẩm khuyến mại của Công ty May 10  
Người tiêu dùng mua sản phẩm khuyến mại của Công ty May 10  

Tháng Khuyến mại Hà Nội 2022 được kỳ vọng tạo điều kiện cho DN kích cầu tiêu dùng cuối năm, người dân mua hàng giá rẻ, chất lượng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng DN lợi dụng sự kiện để bán hàng kém chất lượng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Trong thời gian diễn ra sự kiện chương trình khuyến mại tập trung TP Hà Nội 2022, các DN tổ chức hơn 1.000 điểm khuyến mại, đặc biệt là 50 điểm Vàng khuyến mại với nhiều hoạt động giảm giá từ 20 - 50% với quy mô lớn.

Thông qua Tháng Khuyến mại Hà Nội 2022, TP Hà Nội kỳ vọng, đây là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần giúp các DN vượt khó, phục hồi sản xuất, kinh doanh, kết nối hiệu quả giữa sản xuất với người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu dùng nội địa; Tăng trưởng tổng mức bán lẻ và cân đối cung - cầu trên địa bàn TP trong giai đoạn bình thường mới của Thủ đô… Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tháng Khuyến mại cũng là dịp hỗ trợ các DN khôi phục sản xuất, kinh doanh góp phần phục hồi kinh tế Thủ đô.

Tháng Khuyến mại Hà Nội 2022 đã bắt đầu, nhưng cũng không ít người tiêu dùng còn lo ngại về chất lượng háng hóa không đảm bảo, DN tổ chức khuyến mại “ảo”…vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Thực tế đã có không ít dư luận về hiện tượng DN nâng giá cao chót vót rồi đến ngày khuyến mại ghi giảm giá 50 - 70%, trong khi giá bán thực ra chỉ bằng giá cũ. Thậm chí còn có hiện tượng bán hàng thực phẩm khuyến mại, nhưng tính luôn cả tiền khuyến mại vào giá sản phẩm…

Từ thực tế này, một trong những yêu cầu của Tháng Khuyến mại mà TP tổ chức đó là yêu cầu các DN tham gia Tháng Khuyến mại phải thực hiện đúng quy định của chương trình, không bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bán hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Cùng với ý thức từ chính các DN, để bảo đảm tính chất kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt Nam việc triển khai và có biện pháp quản lý đối với các DN tới từng địa điểm tổ chức chương trình khuyến mại cũng rất cần thiết.

Bởi cùng với xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, giá cả giảm không niêm yết rõ ràng hay không đảm bảo về các quy định liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng... sẽ là việc tạo lòng tin cho người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng với những DN làm ăn chân chính. Đây mới chính là điều tạo hiệu quả thiết thực cho thương hiệu Tháng Khuyến mại Hà Nội hằng năm từ chính sự đánh giá của mỗi người tiêu dùng và trách nhiệm của mỗi DN tham gia chương trình.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần