Doanh nghiệp bất động sản trở lại
Bà Nguyễn Hương – Giám đốc điều hành Daiphucland, thuộc Tập đoàn Vạn Phúc cho biết: "Sau gần 4 tháng giãn cách ở nhiều cấp độ khác nhau do dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ mở cửa dần nền kinh tế trong tháng 10/2021. Khi bước vào trạng thái bình thường mới, ưu tiên đầu tiên là doanh nghiệp chúng tôi sẽ thiết lập quy trình xanh để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động. Ngoài các khuyến cáo của Bộ Y tế, tập đoàn căn cứ vào tình hình thực tế để tổ chức các hoạt động tăng cường và giám sát tại các điểm làm việc như văn phòng, dự án hay công trường thi công. Hiện nay các nhân sự của Tập đoàn đã được tiêm mũi 1 đạt 100%. Mũi 2 đạt khoảng 30% và hiện nay đang tiếp tục chờ các đợt tiêm vaccine bổ sung tiếp theo do địa phương tổ chức."
Đường Bùi Thị Xuân, nhiều doanh nghiệp không thể cầm cự với dịch, hàng chục khách sạn được rao bán. Ảnh: Khánh Huy |
"Trong gần 2 năm vừa qua chúng tôi đã linh hoạt ứng phó và cố gắng điều chỉnh các hoạt đầu tư và kinh doanh của mình trong tâm thế xác định sống chung với dịch bệnh, có thể phải đến hết năm 2022, cho đến khi vaccine được phủ kín và có thuốc điều trị hiệu quả. Trong các giai đoạn giãn cách, chúng tôi tập trung vào các công tác chuẩn bị như hoàn tất khâu thiết kế, hoàn thiện hồ sơ thì công, hoàn tất các thủ tục pháp lý và chuẩn bị các kế hoạch thi công và chào bán sản phẩm..." - bà Nguyễn Hương cho biết thêm.
Anh Nguyễn Phú Cường – chủ một hệ thống sàn giao dịch BĐS cho biết: “Chúng tôi chỉ chuyên môi giới mua bán nhà phố các loại và BĐS có giá trị lớn như khách sạn... Trong gần nửa năm áp dụng giãn cách, chúng tôi buộc lòng phải cho nhân viên nghỉ việc. Hiện tại, sau gần nửa năm ngưng hoạt động, nguồn hàng tồn đọng cần bán rất nhiều, công ty đang gọi nhân viên quay trở lại làm việc, nhắm đến mùa làm ăn cuối năm để bù lại thời gian giãn cách. Trong mấy tháng giãn cách, số lượng khách quan tâm đến BĐS là nhà phố cũng nhiều, họ tìm hiểu khá kỹ càng.
Một điều thuận lợi là đối với phân khúc nhà phố, do nhiều nhà đầu tư lướt sóng bị kẹt hàng khá nhiều, mặt bằng giá chào bán dù không có nhiều thay đổi nhưng quan trọng nhất là người bán không còn ảo tưởng ôm khư khư nguồn hàng để chờ giá lên. Họ đã thực tế hơn, chấp nhận thương thảo sâu với khách hàng. Chắc chắn trong thời gian tới, khi các hoạt động kinh tế được nối trở lại, sẽ có nhiều nhà đầu tư bắt đáy, thị trường sẽ rất sôi động trở lại."
Chị Lê Thị Lệ Hằng chia sẻ, tại hệ thống Thiên Minh Capital (hệ thống môi giới mua bán nhà đất các quận trung tâm) từ ngày 1/10 đã bắt đầu cho nhân viên có thẻ xanh Covid đi làm trở lại.
Trao đổi qua điện thoại, giám đốc điều hành một doanh nghiệp BĐS lớn cũng cho biết, để chuẩn bị cho đợt ra hàng cuối tháng 10/2021, mấy hôm nay, ban giám đốc họp với các bộ phận suốt ngày, chuẩn bị các kịch bản làm sao để mở cửa trở hoạt động trở lại hiệu quả nhất và có khả năng hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất.
Ẩn số sức mua
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, sau đại dịch Covid-19, thị trường BĐS sẽ phải mất ít nhất một năm để lấy lại trạng thái cân bằng. Yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất trên thị trường BĐS trong thời gian tới đó là những chính sách điều tiết vĩ mô lên thị trường vốn. Như chúng ta biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ra văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của dịch Covid-19, đặc biệt là BĐS với mục đích tự sử dụng.
NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng cũng cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh BĐS hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh BĐS... Có thể hiểu một cách ngắn gọn là NHNN yêu cầu các TCTD bóp nguồn vốn đổ vào BĐS thông qua 2 con đường chính là các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp BĐS.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho biết thêm: “Từ những diễn biến về điều tiết chính sách vĩ mô, diễn biến thực tế đời sống xã hội, tôi cho rằng thị trường BĐS sẽ rất trầm lắng trong thời gian tới, ít nhất phải đến cuối năm 2022. Thực tế, tôi biết có doanh nghiệp BĐS đang chào bán trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất trên 10%/năm, đây là cách để họ huy động vốn triển khai các dự án. Cách huy động vốn này là phương án khá tốt, doanh nghiệp toàn quyền sử dụng vốn trong trung hạn 3-5 năm mà không phải trả vốn như khi vay vốn từ ngân hàng. Đồng thời, đây là cách huy động vốn khi mà việc vay vốn ngân hàng đang gặp khó khăn...”
Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương cho rằng: “Đối với BĐS, nhu cầu về nhà ở sẽ vẫn có sự gia tăng ổn định, tuy nhiên để khuyến khích khách hàng các chủ đầu tư cần phải xây dựng các chế độ thanh toán linh hoạt và phương án hỗ trợ tài chính cho vay mua nhà với lãi suất hấp dẫn. Nhu cầu về đầu tư BĐS có thể giảm trong ngắn hạn ở một số phân khúc, nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn trong quyết định đầu tư của mình. Các dự án của các chủ đầu tư lớn có thương hiệu, uy tín và năng lực triển khai dự án sẽ có lợi thế cạnh tranh cao. Thị trường sẽ cần thời gian 3-6 tháng để kích hoạt trở lại và thích nghi với thời kỳ mới sống chung an toàn với dịch bệnh”.
“Theo quan sát sau mỗi đợt giãn cách xã hội, thị trường BĐS sẽ có sự sôi động nhất định do độ nén về mặt cung cầu thị trường trong thời gian giãn cách. Các chủ đầu tư đều có kế hoạch sẵn sàng cho việc mở bán sản phẩm vào cuối năm nay với các chính sách kích cầu khá hấp dẫn. Chúng tôi cũng đã sẵn sàng cho kế hoạch kinh doanh của mình vào cuối năm... Chúng ta đang trải qua một giai đoạn khó khăn chung đối với tất cả các ngành nghề kinh tế không chỉ riêng BĐS. Hành vi tiêu dùng sẽ có sự thay đổi và thích nghi với hoàn cảnh mới khi mà ngân sách chi tiêu sẽ bị giảm do thu nhập giảm và việc mua sắm online dễ gia tăng nhanh chóng do yếu tố an toàn sức khỏe” – bà Nguyễn Hương nhận định.