Kịch Hà Nội: Tín hiệu mới từ sân khấu tư nhân

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm ngoái, đạo diễn Trần Lực đã khuấy động không khí trầm lắng của sân khấu phía Bắc bằng vở “Quẫn”, nay lại tiếp tục trình làng "Cơn ghen của Lọ Lem”.

Vở diễn chính thức khai màn từ 2/12 "biến" Trần Lực thành người khai phá những manh nha cho sân khấu tư nhân ở Hà Nội.
Thay đổi thói quen

Vở diễn thứ 2 của Trần Lực “Cơn ghen của Lọ Lem” bắt đầu diễn ở Trung tâm Văn hóa Pháp ngày 2/12 với 4 suất diễn. Vở hài kịch tiếp tục đi theo phong cách ước lệ, dựa theo kịch bản của Molière cách đây 500 năm. Không lo lỗi thời, tụt hậu, Trần Lực đã khiến “Cơn ghen của Lọ Lem” trở nên sinh động, hấp dẫn và cập nhật hơi thở thời đại.

Vở diễn có lẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng trước khi thích thú khi kể câu chuyện gia đình với những ghen tuông, cãi cọ. Đời sống sinh hoạt gia đình được thể hiện bằng lối kể hiện đại, khán giả thấy bóng dáng của những ông tiến sĩ rởm, những kẻ trưởng giả của xã hội xưa tồn tại dai dẳng trong xã hội nay. Phê phán, lên án một cách tinh tế, để nhân vật tự lộ ra sự lố bịch, không cần làm quá hay tấu hài như nhiều vở hài "nhảm" thường thấy.

Sân khấu Trần Lực ra mắt bằng vở hài “Cơn ghen của Lọ Lem”. Ảnh: Linh Anh

Những khán giả quen với kịch tâm lý có thể hơi hẫng vì “Cơn ghen của Lọ Lem” không có cao trào, không giải quyết tình huống tới tận cùng. Đạo diễn khéo lồng ghép vào câu chuyện gia đình những vấn đề thời sự, xã hội nóng hổi như gian thương buôn lụa Tàu, xe ôm thời đại mới qua lời thoại, tình huống tự nhiên, không gượng ép. Phục trang diễn viên được thiết kế chỉn chu, mang chút hoài cổ, thêm nghệ thuật vẽ mặt tạo ra một thế giới nhân vật sinh động, mới lạ.

LucTeam – sân khấu tư nhân phía Bắc

Khán giả trong Nam đã quen với sân khấu tư nhân, song ngoài Bắc mới manh nha vài đoàn kịch, còn chủ yếu là nhà hát có bề dày lịch sử của Nhà nước. Trong tâm thế sân khấu tư nhân phía Nam "than trời" vì khó khăn, các đơn vị sân khấu Nhà nước phía Bắc cố gắng quẫy đạp khỏi mức chạm đáy, song Trần Lực lại khẳng định đó là “thiên thời địa lợi” để ra mắt đoàn kịch thầy và trò LucTeam - sân khấu tư nhân,

“Nhiều người cho rằng, các môn nghệ thuật khác, phương tiện khác hấp dẫn hơn nên bỏ sân khấu. Nhưng tôi lại thấy sân khấu có giá trị không gì thay thế được” – Trần Lực chia sẻ. Bước vào rạp, đèn rạp tắt và đèn sân khấu sáng lên, khán giả lập tức bị hút vào không gian gần như trống, nhưng dàn diễn viên đi lại, hát hò nhảy múa rất sung và hấp dẫn. Diễn viên của Trần Lực rất lạ, họ nhìn thẳng vào mắt khán giả diễn và tương tác, như muốn nói: Tôi là diễn viên, tôi đang kể câu chuyện này cho khán giả đây.

Nhiều nhà hát gần đây ra mắt vở mới với nỗ lực thay đổi để kéo khán giả trở lại rạp. Nhiều vở có dấu ấn, nhưng các nhà phê bình đều nhận thấy không nhiều đột phá. Trần Lực bước vào sân khấu tư nhân, nhưng cũng “bắt” khán giả quen dần với phong cách ước lệ, từ không gian, thời gian cho tới phong cách biểu diễn của diễn viên. “Nghệ thuật phải lạ, hấp dẫn. Với suy nghĩ đó, tôi tin vào thành công của LucTeam” - Trần Lực bày tỏ và cho rằng sự xuất hiện của sân khấu Trần Lực cho khán giả thêm lựa chọn.

Ngôn ngữ ước lệ không xa lạ, sẵn có trong sân khấu phương Đông, nhưng rất ít được sử dụng, nay Trần Lực thể hiện điều đó. Sân khấu gần đây bị "cướp" khán giả do họ thấy quen quá. Khán giả đi xem vở của Trần Lực đầu tiên thấy lạ, dần dần mới thích. Rõ ràng Trần Lực làm ra cái khác biệt.

Biên kịch Đỗ Trí Hùng