Xóa bỏ rào cản thể chế, cải thiện hệ thống an sinh xã hội
Ngày 27/11, giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, vấn đề việc làm chịu tác động bởi nhiều hệ thống pháp luật. Việc sửa đổi luật cần tiếp tục vừa rà soát, vừa bổ sung nhưng cũng dự liệu trước những vấn đề mới và đưa ra một số vấn đề có tính chất vượt trội để hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý, với mục tiêu thúc đẩy xây dựng thị trường lao động Việt Nam đồng bộ, linh hoạt, đa dạng, bền vững và hội nhập, trọng tâm là tạo ra việc làm đầy đủ và chất lượng cao, cũng như năng suất lao động cao hơn. Đây là vấn đề trọng tâm trong luật này cần đặt ra và nhìn nhận một cách nghiêm túc về thị trường lao động Việt Nam.
“Trên cơ sở dự thảo và góp ý của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện theo hướng bổ sung làm rõ hơn, thể chế phải góp phần quản trị, đặc biệt là tạo ra khung khổ pháp lý tạo việc làm đầy đủ, chất lượng và năng suất lao động cao” - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đối với vấn đề tạo việc làm đầy đủ và chất lượng, tập trung vào những vấn đề có tính chất nguyên tắc, gốc là phải thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết gia tăng việc làm, cải thiện hệ thống hỗ trợ việc làm, cải thiện hệ thống dịch vụ công về việc làm, tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động. Kiên quyết xóa bỏ rào cản thể chế bất bình đẳng trong việc làm, cải thiện hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy tạo việc làm và việc làm chất lượng cao. Trong đó Nhà nước, doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo, người lao động giữ vai trò chủ động trong công việc của mình và kích hoạt các nguồn lực xã hội, sự tham gia của cả xã hội và tạo công ăn việc làm và phúc lợi xã hội.
Về năng suất lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi đa dạng, phức tạp và nhanh chóng khó lường như hiện nay, chúng ta phải thích ứng nhanh với xu hướng phòng ngừa già hóa dân số, thay đổi môi trường, biến đổi khí hậu và tác động nhanh, sâu sắc, căn bản của khoa học công nghệ. Điều này vừa là tận dụng lợi thế nhưng cũng phòng ngừa và hạn chế tất cả những rủi ro thách thức.
Mỗi đối tượng trong lao động, trong nhóm tuổi cần có chính sách phù hợp
Việt Nam chúng ta phụ thuộc bốn yếu tố cơ bản: mức độ thay đổi và loại hình công nghệ sẽ thay đổi; trình độ kỹ năng lao động; chính sách quốc gia áp dụng hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; tác động của trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh đó, khó có thể chi tiết hóa tất cả các chính sách trong luật này, mà đòi hỏi phải xây dựng khung chính sách có tính chất mở, dễ điều chỉnh, dễ thích ứng trong từng thời gian. Chúng ta tập trung vào một số vấn đề cơ bản nhưng mở cửa tiếp cận kỹ năng cho tất cả mọi người, nhất là tiếp cận rộng rãi về giáo dục đào tạo, học suốt đời, tư vấn đào tạo kỹ năng thích ứng trong nghề nghiệp. Hoàn thiện thị trường lao động toàn diện thích ứng và bền vững, giải quyết tình trạng bất ổn phi chính thức trên thị trường lao động; cải thiện chất lượng việc làm; thúc đẩy sự gia tăng, sự năng động của doanh nghiệp, sự lan tỏa của công nghệ; hạn chế tác động của mặt trái thị trường….
“Sửa Luật Việc làm cũng cần tập trung lấy người lao động, việc làm là trọng tâm của tăng năng suất lao động bền vững. Mỗi đối tượng trong lao động, trong nhóm tuổi cần có những chính sách phù hợp” - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định.
Trước đó, tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề xuất quan tâm chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi. Đại biểu băn khoăn về chính sách việc làm cho người cao tuổi, trong đó vẫn chưa có sự chủ động trong việc ứng phó với tình trạng già hóa dân số.
“Nhìn ra các nước trên thế giới, những nước có chiến lược về kinh tế vàng, GDP của người cao tuổi đóng góp cho các quốc gia này rất lớn. Có những việc cho người cao tuổi thù lao thấp, nhưng hiệu quả rất cao, do đó cần có chính sách huy động sự tham gia của người cao tuổi vào các công việc của xã hội. Ngoài ra, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng tập huấn, cấp chứng chỉ quốc gia, chứng chỉ quốc tế cho người cao tuổi; cũng cần tính toán tới việc không chỉ xuất khẩu lao động, mà có thể xuất khẩu chuyên gia” - đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ nêu quan điểm.
Sửa Luật Việc làm đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên mới
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là Dự thảo Luật rất quan trọng, phức tạp, có tính thực tiễn cao, phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến vấn đề lao động, việc làm - một trong các trụ cột quan trọng trong phát triển bao trùm và bền vững, đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên mới…
Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ bản thống nhất với việc sửa đổi Luật Việc làm. Đồng thời nêu nhiều vấn đề thực tiễn để củng cố cơ sở, lập luận về tính khả thi của các chính sách về hỗ trợ việc làm; việc nghiên cứu, rà soát các đối tượng, trong đó có người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, cận nghèo, thoát nghèo, người bị thu hồi đất, người lao động ở khu vực nông thôn, người cao tuổi; nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; thông tin thị trường lao động; mức đóng bảo hiểm thất nghiệp…
Ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Cùng với đó, tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan, các nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động… để bảo đảm tính minh bạch, khả thi của Dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần chú trọng quán triệt đổi mới trong phương pháp xây dựng pháp luật trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật; kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề phát sinh; phấn đấu đến Kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua Dự thảo Luật này với chất lượng cao nhất.