Xác định rõ đối tượng được ưu tiên vay vốn
Giới thiệu một số điểm mới của Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Đào Ngọc Dung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa), Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, so với Luật Việc làm năm 2013, Dự thảo Luật có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với 4 nhóm chính sách: quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) đề nghị bổ sung đối tượng những người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, dịch bệnh vào nhóm được vay vốn, hỗ trợ tạo việc làm tại điều 8 Dự thảo Luật.
"Đợt mưa lũ lịch sử do ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi vừa qua, có những làng bản bị xóa sổ hoàn toàn, nhiều người lao động mất trắng tài sản, sinh kế… đây là những đối tượng gặp rất nhiều khó khăn nếu không có nguồn vốn hỗ trợ" - đại biểu Phạm Hùng Thắng nêu.
Cũng quan tâm tới đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trần Phượng Trân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) nêu, cụm từ “các đối tượng ưu tiên vay vốn” được lặp lại nhiều lần nhưng lại chưa được làm rõ trong Dự thảo Luật; chưa có quy định cụ thể đối tượng nào được ưu tiên. Do đó, cần xác định rõ các đối tượng ưu tiên vay vốn, có danh mục cụ thể nhằm thực hiện thống nhất.
Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%
Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, tại khoản 1 điều 65 Dự thảo Luật quy định: “Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp…”, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc.
Theo đại biểu Phạm Hùng Thắng, phần lớn doanh nghiệp hiện nay đóng cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng nên 60% tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp rất thấp. Với tiền lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 5,56 triệu đồng giai đoạn 2022-2023, trợ cấp thất nghiệp người lao động nhận được 3,3 triệu đồng mỗi tháng. Mức trợ cấp thất nghiệp như trên chưa đáp ứng 30% chi phí sinh hoạt thực tế của gia đình lao động...
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Trần Phượng Trân bày tỏ, tại điểm b và điểm d, khoản 1 điều 64 Dự thảo Luật quy định về trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.
Cho rằng quy định này chưa phù hợp với chế độ bảo hiểm thất nghiệp hiện nay; quy định này giới hạn, thu hẹp đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn so với Luật hiện hành. Đại biểu Trân đề nghị, cần tách biệt giữa trường hợp người lao động chịu hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức với việc người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) cho biết, điểm 2 khoản 5 điều 58 Dự thảo Luật là điểm mới so với Luật hiện hành khi quy định: "Trường hợp, người sử dụng lao động không còn khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình, nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại tiền mà người lao động đã đóng”.
Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng quy định này khi áp dụng vào thực tiễn tính khả thi chưa cao, bởi khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu được số tiền mà doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng mới trả lại cho người lao động thì khả năng thu hồi quá lâu.
Do đó đại biểu đề nghị xem xét lại. Trong trường hợp vẫn giữ quy định này cần phải có thời hạn giữ, thời hạn trả tiền cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.
Liên quan tới điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại điều 64 Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) cho rằng: theo quy định của pháp luật về lao động, người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức thì không được nhận tiền trợ cấp thôi việc.
Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bỏ quy định tại điểm b khoản 1 điều 64 để tạo điều kiện cho những người lao động nói trên được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trên cơ sở nguyên tắc “đóng - hưởng”.