Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát chặt từ gốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đem lại nguồn ngoại tệ trị giá hàng tỷ USD cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

 Tuy nhiên, thời gian qua, nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh xảy ra liên miên do chất lượng con giống chưa được quản lý chặt chẽ.
 
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay cả nước có hơn 1.000 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt với sản lượng hơn 14 tỷ con giống mỗi năm và hơn 300 cơ sở sản xuất con giống cá nước mặn, nước lợ, tôm sú, tôm thẻ chân trắng… Hầu hết các cơ sở phát triển tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết nên chất lượng con giống còn hạn chế. Trong đó, riêng với loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta là cá tra, cả nước có hơn 150 trại sản xuất cá bột, tuy nhiên chỉ có 5,2% trại sản xuất cá bố mẹ đã qua chọn lọc di truyền từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, còn lại được sản xuất từ cá bố mẹ trong tự nhiên và đàn cá nuôi thịt. Tỷ lệ hao hụt cá trong quá trình nuôi lên đến 25 - 30%.
 
Kiểm soát chặt từ gốc - Ảnh 1
Nuôi trồng thủy sản tại xã Đồng Mỹ, huyện Thanh Trì. Ảnh: Thiên Tú

Ông Dương Tiến Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, những năm vừa qua, tình hình nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi, giống thủy sản kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn được đưa vào nuôi, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Trước tình hình đó, Tổng cục Thủy sản đang gấp rút hoàn thành và trình Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư quy định Quản lý giống thủy sản.Theo dự thảo Thông tư trên, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về giấy đăng ký, công suất, phù hợp với quy hoạch của địa phương, có nhân viên kỹ thuật trình độ từ trung cấp trở lên, trang thiết bị đảm bảo yêu cầu sản xuất sạch… Đặc biệt, giống thủy sản khi lưu thông phải có bao bì ghi nhãn rõ ràng tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, ngày sản xuất và thời hạn sử dụng. Thông tư cũng nêu rõ, giống thủy sản phải được tiến hành kiểm tra kỹ chất lượng trước khi đưa vào nuôi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, hiện nay việc kiểm tra, quản lý chất lượng con giống thủy sản còn khá chồng chéo, có sự tham gia của nhiều đơn vị như thú y, thủy sản… Do đó, cần thiết phải có quy định trách nhiệm rõ ràng. Ông Tám cũng nhấn mạnh, việc kiểm tra chất lượng giống thủy sản tập trung chủ yếu ở cơ sở sản xuất, nếu đảm bảo mới cấp chứng nhận lưu thông. Trong khi vận chuyển giống, chỉ cần kiểm tra hồ sơ, giấy tờ để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất.