Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2020: Chủ động các kịch bản ứng phó

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã từ 3 - 4 năm nay, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu được đánh giá là thành công, không tăng quá cao như trước cũng không tăng thấp như năm 2015, 2016). Liệu năm nay có những vấn đề gì cần cảnh báo sau diễn biến 2 tháng đầu năm?

 Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thấy gì từ các chỉ số?
Các chỉ số thống kê cho thấy, CPI tháng 1/2020 so với tháng 12/2019 tăng cao nhất so với tốc độ tăng của tháng 1 trong 7 năm qua. CPI tháng 2/2020 so với tháng 1/2020 giảm 0,17%, song cũng tăng cao nhất so với tốc độ tăng của tháng 2 trong 4 năm trước đó (của tháng 2/2016 tăng 0,42%, 2017 tăng 0,23%, 2018 tăng 0,73%, 2019 tăng 0,8%).
CPI tháng 2/2020 so với tháng 12/2019 (tức là sau 2 tháng) cũng tăng cao hơn so với tốc độ tăng của 2 tháng trong cùng kỳ của các năm 2015 giảm 0,7%, 2016 tăng 0,42%, 2017 tăng 0,69%, 2019 tăng 0,9%, 2020 tăng 1,06%).

CPI tháng 2/2020 so với tháng 2/2019 (tức là sau một năm) tăng cao nhất so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ trong 7 năm qua (2014 tăng 4,65%, 2015 tăng 0,34%, 2016 tăng 1,27%, 2017 tăng 5,02%, 2018 tăng 3,15%, 2019 tăng 2,64%, 2020 tăng 5,40%).
Mặc dù tốc độ tăng bình quân giá USD ở Việt Nam đã chậm lại trong 5 năm qua (2015 tăng 3,16%, 2016 tăng 2,23%, 2017 tăng 1,4%, 2018 tăng 1,29%, 2019 tăng 0,99%, bình quân 2 tháng năm nay giảm 0,15%) nhưng trong 2 tháng năm nay so với cùng kỳ đã tăng ngay từ đầu năm (tháng 1 tăng 0,22%, tháng 2 tăng 0,32%).
CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 tăng cao nhất trong 7 năm qua (2014 tăng 5,05%, 2015 tăng 0,64%, 2016 tăng 1,03%, 2017 tăng 5,12%, 2018 tăng 2,9%, 2019 tăng 2,6%, 2020 tăng 5,91%).
Đó là so sánh về thời gian. Nếu so sánh theo các nhóm mặt hàng, CPI bình quân 2 tháng năm nay có một số điểm đáng lưu ý. Cụ thể, trong 13 nhóm/mặt hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, tăng cao hơn tốc độ tăng chung có 3 mặt hàng. Tăng cao nhất là giá thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu do dịch tả lợn châu Phi đã tác động gần một năm, làm cho đàn lợn bị thiệt hại lớn. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp giải cứu như yêu cầu giảm tình trạng găm hàng của các cơ sở chăn nuôi lợn, cơ sở chế biến thịt lợn, đẩy mạnh phát triển các nguồn thực phẩm khác thay thế, tăng lượng nhập khẩu… nhưng do thời tiết diễn biến bất thường và nhu cầu tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán nên giá thực phẩm đã tăng 13,21%, cao hơn gấp đôi tốc độ tăng chung. Tuy nhiên, tốc độ tăng này có xu hướng giảm xuống khi đàn lợn phục hồi và thực tế tháng 2 đã giảm 0,7% so với tháng 1.
Tăng cao thứ hai là giá ăn uống ngoài gia đình (tăng 7,26%, cao hơn tốc độ tăng chung). Nguyên nhân chủ yếu cũng do giá thực phẩm và nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, tốc độ tăng này sẽ chậm lại từ tháng 3, do tác động tích cực của Nghị định 100/NĐ-CP, làm cho giá bia giảm mạnh, việc ăn nhậu đã giảm nhiều.
Tăng cao thứ ba là giao thông (6,06%), chủ yếu là tháng 1, còn từ tháng 2 đã giảm (2,5%) do giá xăng dầu giảm, cùng với nhu cầu đi du lịch, lễ hội giảm khi dịch bệnh Covid-19 từ Vũ Hán (Trung Quốc) lây lan. Ngoài các mặt hàng và dịch vụ có giá tăng cao như trên, còn có giá nhà ở và vật liệu xây dựng bao gồm tiền thuê nhà, tiền điện nước, vật liệu xây dựng… cũng tăng cao (5,91%).
Bên cạnh một số mặt hàng tăng cao như trên, có một số nhóm hàng giá bình quân 2 tháng tăng thấp, như may mặc, giày dép và mũ nón (tăng 1,3%); thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 1,36%); văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 1,08%), đặc biệt bưu chính viễn thông (giảm 0,65%).
Như vậy, dù so sánh dưới các góc độ nào thì CPI 2 tháng năm nay đều cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Việc tăng lên này do nhiều yếu tố.
Tháng 2 của chu kỳ tính CPI (từ 21/1 - 20/2 hay từ 27/12 - 27/1 Âm lịch) có Tết cổ truyền dân tộc, nhu cầu tiêu dùng cao hơn các tháng khác trong năm. Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới, nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc giảm lãi suất cơ bản xuống ở mức âm hoặc ở mức gần bằng 0 hoặc ở mức thấp hơn tỷ lệ lạm phát định hướng, tung các gói kích thích kinh tế lớn… để ngăn chặn suy thoái kinh tế, kích thích tăng trưởng. Giá cả thế giới tăng, làm cho giá hàng nhập khẩu tính bằng VNĐ tăng kép, vừa tăng do hàng nhập khẩu tính bằng USD tăng, vừa tăng do tỷ giá VNĐ/USD tăng.
 Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Việt Linh
Lạm phát có thể cao hơn
Bộ KH&ĐT đưa ra 2 kịch bản, trong đó dự báo tốc độ tăng CPI năm 2020 theo kịch bản 1 là 3,96% (đạt mục tiêu) và kịch bản 2 là 4,86% (cao hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (4%) và đều cao hơn năm trước.
Từ diễn biến và các yếu tố tác động, cùng các kịch bản của Bộ KH&ĐT, có thể dự báo, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu cả năm 2020 sẽ gặp khó khăn hơn mấy năm trước: Cao hơn năm trước và có thể cao hơn mục tiêu đề ra. Đó là cảnh báo cần thiết và cần có các giải pháp kịp thời.
Một giải pháp quan trọng là cùng với việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để hạn chế thiệt hại, giảm chi phí, cần tích cực duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Tăng trưởng để tăng cung hàng hóa và dịch vụ. Một giải pháp quan trọng khác là khai thác tốt việc thực hiện các Hiệp định thương mại đã đưa vào thực hiện và khẩn trương đưa Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vào thực hiện vào nửa cuối năm nay. Trong khi hoàn thiện các mặt về pháp lý, các DN cần chuẩn bị các điều kiện về sản xuất, xuất khẩu, đối tác và thị trường… để có thể thực hiện ngay khi FTA này có hiệu lực.
Hết sức cân nhắc, cẩn trọng về nhiều mặt như loại quyết định, tăng giá, liều lượng, thời gian, phạm vi khi thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quyết định giá. Cùng với đó cẩn trọng trong việc điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD để tránh sự cộng hưởng (tăng kép về giá hàng nhập khẩu) và tâm lý găm giữ ngoại tệ, vàng...