Chủ động vào cuộc kiểm soát thị trường
Những ngày qua, lực lượng QLTT đã liên tục vào cuộc để kiểm tra kiểm soát thị trường gạo. Điển hình như Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Bến Tre) đã khảo sát, tiến hành kiểm tra tại 6 hộ kinh doanh gạo trên địa bàn huyện Ba Tri và huyện Giồng Trôm, phát hiện vi phạm và tạm giữ trên 75 tấn gạo. Trong đó có 10 tấn gạo không có nhãn hàng hóa (không có nhãn gốc) và trên 65 tấn gạo có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Đội QLTT số 1 đã xử lý các vụ việc trên với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 79,2 triệu đồng, trị giá hàng hóa 850 triệu đồng. Hiện các hộ kinh doanh đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tại Kiên Giang, ngày 17/8, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục QLTT Kiên Giang) đã tiến hành rà soát, giám sát 8 cơ sở kinh doanh mặt hàng gạo trên địa bàn TP Hà Tiên; đồng thời các hộ này đã ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt cam kết niêm yết giá.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh, ngay từ khi tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, tác động đến giá lúa, gạo Việt Nam, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng QLTT tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo; kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho. Hoạt động này nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bình ổn thị trường gạo trong nước và xuất khẩu
Trước thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước như Ấn Độ, UAE, Nga.... tác động tới giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu Việt Nam, Bộ Công Thương đã kịp thời tham mưu giải pháp cho Chính phủ. Ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về bình ổn thị trường gạo trong nước và xuất khẩu giai đoạn hiện nay.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nhờ những khuyến cáo kịp thời và sự vào cuộc mạnh của Bộ Công Thương mà những ngày qua, giá gạo bán ở thị trường nội địa đã không tăng quá cao.Tuy nhiên, điều lo ngại là là trên thị trường vẫn có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý.
Theo TS Vũ Vinh Phú, mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Vì vậy, việc kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến sẽ góp phần kiểm soát CPI, không gây ảnh hưởng và xáo trộn đời sống người dân. Đặc biệt, gạo là mặt hàng thiết yếu, nếu bị tăng giá đột ngột sẽ làm nhiều mặt hàng khác tăng theo như: bún, phở và các loại dịch vụ khác.
TS Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, Chỉ thị 24/CT-TTg và Chỉ thị 07/CT-BCT của Bộ Công Thương là những biện pháp kịp thời của nhà nước về xuất nhập khẩu. Bởi nếu doanh nghiệp cứ chạy theo giá gạo tăng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Giả thiết đặt ra, nếu như Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lúa gạo thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngay lập tức gặp khó khi đã ôm hàng với giá cao, khi bán ra sẽ cầm chắc lỗ.
Đánh giá về giải pháp cơ quan quản lý nhà nước đối với mặt hàng gạo, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, những chỉ đạo của Bộ Công Thương trong thời gian qua là phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ ngành khác, bởi Bộ Công Thương hiện chỉ quản lý xuất nhập khẩu, còn vấn đề về trồng trọt và sản lượng của năm sau và dự trữ quốc gia là nhiệm vụ của nhiều bộ ngành khác.
Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, Việt Nam cần giữ được mức giá ổn định trong nước bằng các công cụ bình ổn giá. Đây là chương trình Bộ Công Thương đã làm nhiều năm và có kinh nghiệm, còn xuất khẩu thì phải theo giá thế giới.
Trong thời gian tới, lực lượng QLTT tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, thông tin mới, ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh tại địa phương để báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại lúa, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ sản xuất trên địa bàn nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh