Lượng khách du lịch tăng mạnh
Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2020 - 2023, địa phương đã đón tiếp và phục vụ khoảng 24,6 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó đón 973.860 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 39.132 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Kiên Giang ước đón 5.448.428 lượt khách (đạt 59,2% kế hoạch năm), trong đó khách quốc tế ước đón 508.645 lượt (đạt 45,1% kế hoạch năm); tổng thu đạt khoảng 13.394 tỷ đồng (đạt 67% kế hoạch năm).
Hiện nay, toàn tỉnh thu hút được 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 9.754 ha và tổng vốn đầu tư là 393.135 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch của tỉnh ngày càng được đầu tư phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ được củng cố và nâng cao, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của du khách.
Đồng thời, ngành du lịch đang đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề án về phát triển du lịch của tỉnh đã được phê duyệt và đẩy mạnh phát triển một số mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại các địa bàn du lịch trọng điểm cũng đã gắn với phục vụ phát triển du lịch, làm gia tăng sản phẩm du lịch của tỉnh.
Hoạt động du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông - lâm - thủy sản và thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển; giải quyết việc làm cho người lao động góp phần tăng thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách; vị trí, vai trò của ngành du lịch ngày càng được khẳng định, tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng cao và đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, sự phát triển của các vùng du lịch trong tỉnh Kiên Giang không đồng đều; doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ, thiếu sản phẩm tốt, liên kết kinh doanh du lịch chưa đồng bộ, tính chuyên nghiệp chưa cao. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chậm đổi mới, thiếu tổng thể và tầm nhìn dài hạn; sản phẩm dịch vụ du lịch đa dạng, hấp dẫn với du khách.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập….
Phát triển du lịch bền vững
Theo Sở Du lịch Kiên Giang, ngành Du lịch Kiên Giang đang triển khai thực hiện các Đề án về phát triển du lịch hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững như: phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; phát triển các sản phẩm ngành nghề truyền thống gắn với du lịch; du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP.
Đồng thời, tái cơ cấu lại ngành Du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, phòng hộ giai đoạn 2021 - 2030 của Vườn Quốc gia Phú Quốc. Trong đó, xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Tiếp tục triển khai các giải pháp, nhiệm vụ kích cầu du lịch, phục hồi nhanh và phát triển các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Liên kết hợp tác, duy trì và phát huy các mối quan hệ với các tỉnh, thành có thỏa thuận ký kết như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền Trung, cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long và các Sở Du lịch khu vực phía Nam.
Ngoài ra, chú trọng đầu tư hạ tầng đường bộ, đường thủy, đường biển, đường hàng không; hệ thống điện lưới quốc gia được đưa ra các đảo; các công trình cấp nước, khu xử lý rác thải, nước thải... đã, đang được đầu tư và đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đang được đầu tư xây dựng mở rộng với công suất phục vụ khoảng 2,65 triệu khách/năm.
Ông Bùi Quốc Thái – Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết: địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của các văn bản của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đầu tư kết cấu hạ tầng, huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; công tác xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; tăng cường công tác liên kết vùng; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.