Ra mắt bộ tài liệu kỹ năng mềm và trao tặng cho các trường nghề của TP Hà Nội |
Ngày 22/5, tổ chức Plan International phối hợp cùng trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội thảo “Công bố tài liệu và chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo nghề”.
Là một trong hai trường được hưởng thụ dự án, ông Bùi Chính Minh - Phó Hiệu trưởng trường CĐN Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: Hiện nay, thanh niên học nghề, trong đó có các bạn hoàn cảnh khó khăn, việc phát triển bản thân và sẵn sàng làm việc rất quan trọng và cần thiết để nắm bắt cơ hội thành công. Nhất là khi, trong bối cảnh thị trường lao động Việt Nam luôn yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng và tận tâm. Thế nhưng, nhận thức về ý nghĩa của việc học nghề, có công việc ổn định vẫn là khoảng trống đối với thanh niên học nghề. Để thu hẹp khoảng cách giữa mong đợi của DN và người lao động là những nội dung tiên quyết, rất cần được chuẩn bị cho các bạn thanh niên. Đáp ứng nhu cầu đó, Dự án “Hỗ trợ dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội”, đã xây dựng một bộ tài liệu đào tạo kỹ năng mềm 60 giờ, bao gồm chương trình giảng dạy cho giáo viên và sách thực hành cho HSSV. Bộ tài liệu đã được triển khai thử nghiệm trong 2 năm với hơn 2.000 SV của hai trường nghề (CĐN Công nghiệp Hà Nội và CĐ Xây dựng Công trình đô thị), cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích ứng được với môi trường học nghề, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng bước vào thị trường lao động. Bộ tài liệu cũng được xây dựng nhằm mục đích sử dụng rộng rãi cho tất cả các nhóm thanh niên học nghề từ hệ trung cấp đến cao đẳng.Chia sẻ về chương trình đào tạo kỹ năng nghề mà dự án mang đến, Hiệu trưởng trường CĐN Công nghiệp Hà Nội Phạm Đức Vinh cho hay: “Suốt 40 năm hình thành và phát triển, chúng tôi luôn chú trọng phát triển kỹ năng mềm song song với chương trình đào tạo cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, chương trình kỹ năng mềm mà dự án mang đến giúp chúng tôi đạt được mức độ chuyên nghiệp và mang lại hiệu quả thực sự cho SV. Nhà trường đã có đội ngũ giáo viên cơ hữu đào tạo kỹ năng mềm và được đánh giá cao từ các DN đang hợp tác tuyển dụng lao động”.
Thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đang tham gia học nghề Sơn, sửa chữa thân vỏ ô tô tại trường CĐN Công nghiệp Hà Nội |
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, đại diện Sở LĐTB&XH Hà Nội, các trường nghề, trường THPT và DN đề nghị cần thiết phải đưa kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo nghề chính khóa, nhất là khi hiện nay kỹ năng làm việc nhóm của thanh niên đang rất yếu. Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, hơn 37% SV ra trường không tìm được việc làm do nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố kỹ năng mềm dẫn đến nhút nhát, thiếu tự tin, không biết cách làm việc theo nhóm.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Đỗ Năng Khánh, ở các nước phát triển, kỹ năng mềm được coi là chương trình cơ bản, mang tính bắt buộc. Chương trình kỹ năng mềm là yếu tố quan trọng để góp phần tạo nên sự thành công cho người lao động nhất là khi chúng ta đã hội nhập và đang tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, người lao động vẫn yếu trong kết hợp làm việc nhóm nên tới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ triển khai dạy kỹ năng mềm vào chương trình chính khóa trong toàn ngành giáo dục nghề nghiệp.Nhưng, có một vấn đề đặt ra hiện nay cần phải bàn thảo kỹ đó là đưa thành môn học riêng hay cho vào 6 môn học bắt buộc. Một thách thức lớn nhất chính là lựa chọn người dạy bởi đa số giáo viên nghề có kỹ năng mềm kém, lại nhiều tuổi rất khó để thay đổi.