Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo cơ chế thị trường

Tuấn Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục cơ cấu lại toàn diện DN Nhà nước để lành mạnh hóa tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với từng DN.

Bên cạnh đó, cải thiện điều kiện kinh doanh, môi trường pháp lý hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 1.000.000 DN hoạt động.
Năm 2018 là năm đặc biệt quan trọng trong kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020, với số lượng DN sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn lớn, nhiều DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, việc xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp phức tạp, mất nhiều thời gian. Vì vậy, để hoàn thành và vượt kế hoạch nhiệm vụ năm 2018 đề ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, quyết liệt triển khai các nghị quyết của Chính phủ, các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Kế hoạch cổ phần hóa DN Nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 (Đơn vị: Doanh nghiệp).
Xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém

Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DN nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước; hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (bao gồm cả các DN chưa hoàn thành kế hoạch năm 2017 chuyển sang); bảo đảm số thu về ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội giao; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập phát sinh trong triển khai thực hiện; hoàn thành việc phê duyệt đề án cơ cấu lại các DN nhà nước theo thẩm quyền và quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai, tạo bước chuyển mạnh mẽ đối với các Đề án cơ cấu lại DN nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại toàn diện DN nhà nước về tổ chức, nhân sự, chiến lược, quản trị, tài chính, công nghệ, sản phẩm, ngành nghề… để lành mạnh hóa tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với từng DN; rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DN nhà nước và DN có vốn nhà nước; kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan.
Năm 2020 có 1.000.000 DN hoạt động

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao rà soát các luật có liên quan như Luật DN, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, Luật Cán bộ, công chức, Luật Phá sản; Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật có liên quan để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu sắp xếp, đổi mới và phát triển DN trong tình hình mới; triển khai có kết quả Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 2/10/2017; Chương trình công tác năm 2018; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành đầy đủ và đúng tiến độ các cơ chế, chính sách và đề án về sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu ĐN nhà nước theo kế hoạch năm 2018.
 Ảnh minh họa
Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện điều kiện kinh doanh, môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để tăng nhanh số lượng DN thành lập mới, DN khởi nghiệp hướng tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 1.000.000 DN hoạt động.
Tăng cường kiểm tra, giám sát

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ đạo người đại diện đôn đốc các DN đã cổ phần hóa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ; chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người lao động và lao động dôi dư trong DN nhà nước.

Áp dụng các nguyên tắc quản trị DN theo thông lệ quốc tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, thực hiện nghiêm túc chế độ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính; có cơ chế gắn việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bãi miễn, đãi ngộ lãnh đạo DN và người lao động với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN. Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ; xử lý nghiêm lãnh đạo DN nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả nhiệm vụ được giao.