Kiến tạo hướng tới tự chủ và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thêm năm mới 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc trao đổi về những kết quả năm 2023, nhiệm vụ cụ thể trong năm 2024, trong đó có lĩnh vực năng lượng khi khép lại 2023 với những "cơn gió ngược".

Nỗ lực thực hiện

Với mục tiêu xây dựng ngành năng lượng Việt Nam tự chủ, bền vững, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong năm 2023, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quy hoạch ngành Quốc gia quan trọng trong lĩnh vực năng lượng.

Kiến tạo hướng tới tự chủ và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia - Ảnh 1

Với vai trò, trách nhiệm là thành viên Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành, Bộ Công Thương đã tham mưu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, gồm Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII); Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.

Phát triển năng lượng tái tạo góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Phát triển năng lượng tái tạo góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Các quy hoạch này có tầm quan trọng đặc biệt vừa có tính kế thừa, vừa có nhiều điểm mới, khắc phục được những tồn tại ở thời kỳ trước, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng hiện đại, tự chủ, bền vững, công bằng. Qua đó, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế.

“Các quy hoạch đều có chung mục tiêu hướng tới bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và là một trong những công cụ để cơ cấu lại nền kinh tế chuyển đổi và mô hình tăng trưởng, là tiền đề quan trọng thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” – Bộ trưởng nêu.

LNG sẽ giúp đảm bảo năng lượng. 
LNG sẽ giúp đảm bảo năng lượng. 

Việc triển khai thực hiện tốt các quy hoạch này sẽ góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, thể chế hóa thị trường hiện đại theo hướng nâng cao hiệu quả phân bổ và huy động nguồn lực, từ đó, thúc đẩy việc hình thành hệ sinh thái công nghiệp, các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết trong các ngành năng lượng, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới; phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, năm 2023, việc đảm bảo năng lượng trong nước, nhất là năng lượng điện gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.

Đặc biệt, những bất cập, hạn chế tồn tại từ nhiều năm trước và sự biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của El Nino gây thời tiết nắng nóng bất thường, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng mạnh, trong khi mưa ít dẫn tới lưu lượng nước về hồ chứa thủy điện giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các nhà máy thuỷ điện.

Đồng bộ giải pháp

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định theo chức năng, thẩm quyền được phân công. Năm 2023, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành Kế hoạch cung ứng điện và Biểu đồ cung cấp than, khí cho phát điện hằng năm.

Kho cảng cung cấp điện khí.
Kho cảng cung cấp điện khí.

Song song với đó, có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp cấp bách để đảm bảo cung ứng nhiên liệu than, khí cho phát điện và chỉ đạo công tác vận hành cung cấp điện; tổ chức nhiều cuộc họp với các Tập đoàn năng lượng (EVN, TKV, PVN) để chỉ đạo thực hiện nghiêm các kế hoạch về cung cấp điện cũng như cung cấp than cho phát điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Yêu cầu TKV và PVN phải nỗ lực hết sức để cung ứng đầy đủ nhiên liệu (than, khí đốt) phục vụ cho phát điện; Hướng dẫn và đôn đốc EVN khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện đã đủ điều kiện hoạt động (bao gồm cả nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp) để bổ sung cho hệ thống; Đôn đốc các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục những sự cố của các tổ máy để sẵn sàng huy động trở lại; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào vận hành các công trình nguồn và lưới điện truyền tải (như: nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải, các dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4, dự án đường dây 500kV mạch 3…) để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia...

Về định hướng năm 2024 và các năm tiếp theo, với vai trò là cơ quan quản lý nghành, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung có nhiệm vụ trọng tâm như: Tham mưu, xây dựng trình các cấp có thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan; Ban hành các chương trình, kế hoạch theo thẩm quyền và tăng cường chỉ đạo theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trong ngành điện, than, dầu khí; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện sớm đưa vào vận hành các công trình năng lượng điện, dầu khí..,

Đặc biệt, các công trình trọng điểm quốc gia, góp phần bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của Nhân dân trong mọi tình huống; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các đơn vị, cá nhân ngành điện, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ.

 

Năm 2024, Bộ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế. Trước mắt, tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Kế hoạch thực hiện 4 Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản; khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, như: Luật phát triển công nghiệp trọng điểm, Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi) và cơ chế, chính sách về điện mặt trời mái nhà, mua bán điện trực tiếp, khung giá các loại hình điện năng…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên