Reuters ngày 2/10 đưa tin, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã hạ thấp tầm quan trọng của dự luật tài trợ tạm thời vừa được Quốc hội Mỹ thông qua hôm 30/9, trong đó đã loại bỏ khoản viện trợ cho Ukraine.
Ngoại trưởng Kuleba cho biết, Kiev đang đàm phán với nghi sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ, đồng thời lưu ý thêm rằng diễn biến xung quanh dự luật tạm thời nhắm ngăn chặn việc Chính phủ Mỹ đóng cửa ngày 30/9 là một "sự cố", chứ không phải là một vấn đề mang tính hệ thống.
“Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rất kỹ với đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ. Quyết định trên đã được Quốc hội thông qua trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đối mặt khả năng phải đóng cửa. Tuy nhiên, hiện chúng tôi đang làm việc với cả hai đảng tại Quốc hội Mỹ để đảm bảo rằng việc này sẽ không lặp lại trong bất kỳ trường hợp nào” - ông Kuleba nhấn mạnh trong cuộc gặp với Cao ủy về chính sách an ninh đối ngoại của EU Josep Borrell trước cuộc họp của các ngoại trưởng EU ở Kiev.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Ukraine cũng khẳng định tin tưởng vào sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ dành cho nước này.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như quan chức cấp cao của EU cũng lên tiếng trấn an Ukraine sau khi Washington thông qua dự luật ngân sách không có viện trợ bổ sung cho Ukraine nhằm ngăn đóng cửa chính phủ.
Theo đài RT, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định, Washington sẽ tiếp tục ủng hộ Kiev bất chấp việc viện trợ đã bị đưa ra khỏi dự luật chi tiêu.
Đồng thời, Tổng thống Biden kêu gọi đảng Cộng hòa “dừng trò chơi này” và nhanh chóng bỏ phiếu về một gói viện trợ riêng cho Ukraine “càng sớm càng tốt” sau khi nguồn tài trợ dành cho Kiev bị loại khỏi dự luật tạm thời nhằm ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa.
Phát biểu từ Nhà Trắng hôm 1/10, Tổng thống Mỹ cho biết ông kỳ vọng Chủ tịch Hạ viện Keven McCarthy của đảng Cộng hòa sẽ “giữ cam kết đảm bảo việc hỗ trợ cần thiết cho Ukraine”.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, đảng viên Đảng Cộng hòa, giải thích rằng mặc dù ông vẫn cam kết giúp đỡ Ukraine, song các vấn đề an ninh quốc gia cần được ưu tiên nhiều hơn đối với các nhà lập pháp Mỹ.
Trả lời phỏng vấn đài CBS hôm 1/10, ông McCarthy nhấn mạnh, các vấn đề liên quan đến biên giới của Mỹ quan trọng hơn, đồng thời gợi ý rằng các gói tài chính trong tương lai dành cho Kiev phải có các điều khoản để đảm bảo an ninh biên giới của Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp nhiều gói hỗ trợ quân sự trị giá khoảng 46 tỷ USD cho Ukraine kể từ tháng 2/2022, bên cạnh các khoản viện trợ khác.
Cũng trong ngày 1/10, Cao ủy EU về chính sách an ninh đối ngoại Josep Borrell nói rằng Brussels "lấy làm tiếc" về quyết định của Quốc hội Mỹ không đưa viện trợ quân sự cho Kiev vào dự luật ngân sách tạm thời.
“Việc hỗ trợ quân sự của EU cho Ukraine sẽ không phụ thuộc vào các quyết định của Mỹ” - đài RT dẫn tuyên bố của ông Borrell phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Kiev hôm 1/10.
Quan chức EU lưu ý thêm rằng khối này có kế hoạch tiếp tục và tăng cường hơn nữa hỗ trợ quân sự cho lực lượng Ukraine.
“Chúng tôi không cần chờ quyết định của Washington để tăng đề xuất hỗ trợ cho Kiev” - ông Borrell nhấn mạnh khi được hỏi về phản ứng của EU trước việc Quốc hội Mỹ loại bỏ viện trợ quân sự cho Kiev khỏi dự luật chi tiêu ngắn hạn được thông qua hôm 30/9.
Trước đó, Ủy ban châu Âu cũng đã đề xuất thành lập một quỹ hỗ trợ Ukraine trị giá 50 tỷ euro (khoảng 52,8 tỷ USD).
Cao ủy EU về chính sách an ninh đối ngoại cho biết ông cũng đề xuất tạo một quỹ tương tự trị giá 20 tỷ euro (21,13 tỷ USD) trong Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF).
Theo quan chức này, viện trợ quân sự từ Brussels và các quốc gia thành viên EU cho Ukraine hiện lên tới 25 tỷ euro (26,4 tỷ USD).