Kìm giá xăng, dầu, đừng chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Giá xăng, dầu tăng nóng và giải pháp giảm thuế để kìm đà tăng của mặt hàng này đang thu hút sự quan tâm lớn của người dân, DN. Tuy nhiên, đề xuất giảm thêm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) mà Bộ Tài chính đưa ra mới đây khó có thể hạ nhiệt giá xăng, dầu.

Chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường là chưa đủ

Tại Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế BVMT với xăng từ 2.000 đồng/lít xuống còn 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít. Dầu diesel được đề xuất giảm từ 1.000 đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

Bộ Tài chính đang đề xuất giảm thêm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng ,dầu. Ảnh: Phạm Hùng
Bộ Tài chính đang đề xuất giảm thêm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng ,dầu. Ảnh: Phạm Hùng

Mức thuế mới sẽ được áp dụng ngay từ 1/8 cho đến hết năm nay nếu được thông qua. Và đây là lần thứ hai Bộ Tài chính sử dụng thuế BVMT như một công cụ để kìm đà tăng giá. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, thuế BVMT sẽ quay trở về các mức được quy định tại nghị quyết 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể là 4.000 đồng/lít với xăng và dầu diesel là 2.000 đồng/lít.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, với mức tăng của giá xăng, dầu hiện nay, việc giảm tiếp thuế BVMT như đề xuất nêu trên chưa thể kìm đà tăng của mặt hàng này. Bởi giá xăng, dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao, biện pháp sử dụng quỹ bình ổn không thể giúp giá trong nước hạ nhiệt được. Do đó, đối với biện pháp sử dụng thuế, cơ quan điều hành cần phải tính toán để giảm thêm các loại thuế khác trong cơ cấu giá xăng, dầu, không phải lần nào cũng chỉ tính đến thuế BVMT.

Hiện nay, ngoài thuế BVMT, trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít bán ra đang có 3 loại thuế khác, gồm: Giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%). PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất, cần giảm thêm các loại thuế: Giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt thì giá xăng, dầu mới hạ một cách đáng kể.

“Xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu, không phải hàng hóa xa xỉ nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên xăng, dầu cần phải được cân nhắc giảm là rất hợp lý. Hơn nữa, đây là thời điểm cần thiết phải đánh đổi, chấp nhận hụt thu ngân sách để kéo giảm giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ người dân, DN phục hồi sản xuất kinh doanh” – PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Phân tích rõ về các biện pháp kìm giá xăng, dầu, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhận định, trong bối cảnh giá xăng, dầu liên tục thiết lập mức kỷ lục, việc giảm thuế BVMT ở mức 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít với dầu sẽ không có nhiều tác dụng, chưa đủ làm hạ nhiệt giá xăng, dầu trong thời gian tới.

“Trong cơ cấu tính thuế xăng, dầu hiện nay còn có thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu... vốn đã chiếm tới 13.000 - 15.000 đồng/lít. Do đó, nếu tính toán giảm một phần các sắc thuế trên khoảng 4.500 - 5.000 đồng/lít, sẽ có tác dụng nhiều hơn để giảm sức nóng giá xăng, dầu, cũng như hạ nhiệt giá cả và đủ sức kìm lạm phát trong thời gian tới” – PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho hay.

Doanh nghiệp đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Trong góp ý Dự thảo Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã bày tỏ sự đồng tình với tính cần thiết và cấp thiết của việc giảm các nghĩa vụ thuế của mặt hàng xăng dầu nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ DN và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Về lựa chọn sắc thuế để cắt giảm, theo VCCI, việc cắt giảm thuế BVMT có ưu điểm là có thể thực hiện được ngay trong tháng 7/2022, do đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Còn nếu lựa chọn cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giá trị gia tăng thì phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Nếu tính toán giảm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt, cùng với việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng sẽ giúp người tiêu dùng được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp, khi các khâu trung gian cũng sẽ giảm giá theo, ngăn được tác động của lạm phát kỳ vọng lên giá cả hàng hóa, dịch vụ khác.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Tuy nhiên, về lâu dài, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.

Đối với phương án cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, VCCI cho rằng, Dự thảo tờ trình chưa nêu rõ lý do vì sao không lựa chọn phương án này. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7/2022.

Trong khi đó, Dự thảo nêu trên có đề cập đến những cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, theo rà soát của VCCI, đây là các cam kết mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam được phép áp dụng. Theo đó, các FTA này vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết. Vì vậy, VCCI đề nghị Chính phủ nên cân nhắc kỹ hơn phương án cắt giảm thuế nhập khẩu.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề giảm thêm thuế cho xăng, dầu, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, vẫn cần thiết phải duy trì một số sắc thuế, như thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi giá xăng, dầu tăng lên quá cao, tác động mạnh đẩy giá các loại hàng hóa khác tăng lên, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân một cách đột ngột, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế, bình ổn kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thì buộc phải sử dụng công cụ thay đổi chi phí cấu thành trong giá bán như các sắc thuế.