Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kim Soo Hyun được trả gần 90 tỉ đồng khi đóng phim “Nữ hoàng nước mắt"

Dương Hương/
Chia sẻ Zalo

Dù tiền cát-xê của Kim Soo Hyun được cho là lên đến hàng trăm triệu won một tập, nhưng phim “Nữ hoàng nước mắt" đã hoàn vốn trước cả khi phim lên sóng...

 

Nam diễn viên Hàn Quốc Kim Soo Hyun. Ảnh: Nhà sản xuất
Nam diễn viên Hàn Quốc Kim Soo Hyun. Ảnh: Nhà sản xuất

Diễn viên nhận cát-xê cao có phải gánh nặng?

Phim truyền hình Hàn Quốc “Nữ hoàng nước mắt" (Queen of Tears) do Studio Dragon sản xuất, hiện đang tạo nên cơn sốt toàn cầu. Vì đây tác phẩm được đầu tư chi phí sản xuất lên đến 40 tỉ won cho 16 tập, nên thành công của nó rất được công chúng quan tâm.

Mới đây, tin tức về tiền cát-xê của nam chính Kim Soo Hyun lại trở thành chủ đề tranh cãi. Có thông tin cho rằng, Kim Soo Hyun đã chủ động xin giảm thù lao xuống còn 300 triệu won/tập (tổng 16 tập khoảng 88 tỉ đồng) để giảm bớt gánh nặng cho nhà sản xuất, trong bối cảnh ngành công nghiệp phim Hàn đang gặp khó khăn.

Nhưng vẫn có nhiều người bức xúc vì các sao hạng A nhận cát-xê quá cao, khiến chi phí sản xuất ngày càng lớn.

Tuy nhiên, theo The Bell: “Từ góc độ công ty sản xuất, những khoản đầu tư quy mô lớn như vậy không gây ra nhiều gánh nặng như lo ngại chung. Khi chi phí sản xuất tăng lên, quy mô doanh thu và lợi nhuận mà công ty sản xuất thu lại cũng tăng lên”.

Ở trường hợp này, Studio Dragon đã sớm hoàn thành việc thu hồi vốn đầu tư ngay cả trước khi phim lên sóng.

“Nữ hoàng nước mắt” đang gây sốt. Ảnh: Nhà sản xuất
“Nữ hoàng nước mắt” đang gây sốt. Ảnh: Nhà sản xuất

Cơ cấu lợi nhuận từ việc kinh doanh phim truyền hình quy định, công ty sản xuất có thể thu hồi một phần chi phí sản xuất trước khi phát hành phim, thông qua doanh thu từ đài truyền hình (phí phát sóng) hoặc doanh thu quảng cáo.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của OTT (nền tảng phát trực tuyến) toàn cầu như Netflix và mô hình “phát sóng đồng thời”, cơ cấu lợi nhuận đã thay đổi.

5 năm trước, chi phí sản xuất mỗi tập phim truyền hình Hàn Quốc là khoảng 500-700 triệu won, tổng cộng 16 tập khó có thể vượt quá 10 tỉ won. Nếu chi phí sản xuất tăng, tỉ lệ thu hồi vốn chắc chắn sẽ giảm. Bởi phim chỉ được phát sóng trên truyền hình thì sẽ có những giới hạn về phí phát sóng và doanh thu quảng cáo.

Tuy nhiên, hiện nay, do sự cạnh tranh giữa các OTT dẫn đến nhiều tác phẩm bom tấn (đại IP) kinh phí lớn được phát hành, lên tới hàng tỉ won mỗi tập. Đồng nghĩa với việc, công ty sản xuất có thêm một nguồn doanh thu lớn khác đến từ OTT.

Nhiều phim kinh phí lớn được Netflix mua bản quyền. Ảnh: Nhà sản xuất
Nhiều phim kinh phí lớn được Netflix mua bản quyền. Ảnh: Nhà sản xuất

"Nữ hoàng nước mắt" hoàn vốn trước khi lên sóng

Trong trường hợp phim có chi phí sản xuất “khủng" như “Queen of Tears”, tỉ lệ thu hồi vốn qua phí phát sóng đài tvN ước tính vào khoảng 50%. Studio Dragon đặt mục tiêu hoàn vốn và kiếm lợi nhuận còn lại từ Netflix.

Nhìn chung, các bộ phim bom tấn được sản xuất với việc bán bản quyền trước hầu như đã được xác nhận. Studio Dragon đã ký hợp đồng cung cấp nội dung cho Netflix từ 2020 đến 2022 với 6 phim cùng lúc, và 2 phim gốc mỗi năm.

Theo các điều khoản hợp đồng vào thời điểm đó, tỉ lệ thu hồi vốn thông qua Netflix là 60% chi phí sản xuất. Các đại IP được cho là có mức phí bảo hiểm cao hơn thế.

Xét việc Netflix đã mua bản quyền phim “Quý ngài ánh dương” (2018) và “Quân vương bất diệt" (2020) với tỉ lệ hồi vốn 70%, “Queen of Tears” ước tính đã đảm bảo ít nhất 70% chi phí sản xuất từ Netflix. Nói cách khác, phí phát sóng (50%) và phí bán trước từ Netflix (70%) đã vượt điểm hòa vốn (BEP) cho nhà sản xuất.

Kim Soo Hyun được cho là nhận 4,8 tỉ won khi đóng “Queen of Tears“. Ảnh: Nhà sản xuất
Kim Soo Hyun được cho là nhận 4,8 tỉ won khi đóng “Queen of Tears“. Ảnh: Nhà sản xuất

Một người trong ngành cho biết: "Queen of Tears nhận được tỉ lệ thu hồi vốn cao hơn các tác phẩm khác. Bởi giá trị tên tuổi của biên kịch Park Ji Eun và diễn viên Kim Soo Hyun là rất cao".

Giả sử, “Queen of Tears” thu được ít nhất 20 tỉ won phí phát sóng và 28 tỉ won phí bán trước trên Netflix, thì Studio Dragon đã đảm bảo lợi nhuận 20%, ngay cả khi không tính các khoản lợi nhuận khác.

Ngoài ra, Studio Dragon có thể kiếm thêm doanh thu thông qua doanh số quảng cáo, nhạc phim và dịch vụ VOD nội địa.

Khi tỉ suất người xem ngày càng cao thì Studio Dragon sẽ nhận được thêm nhiều ưu đãi từ đài tvN. Được biết, mức ưu đãi thường là 7% chi phí sản xuất. Trong trường hợp của “Queen of Tears”, nó rơi vào khoảng 2,8 tỉ won.

Trong tương lai, nhà sản xuất còn có thể thu lợi thêm từ việc bán bản quyền cho các nước khác.