Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh hoàng chiến tích của 'phù thuỷ gây mê'

Chia sẻ Zalo

KTĐT – Sau thời gian nỗ lực điều tra dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm - Bộ Công an cùng sự hỗ trợ tích cực của công an các tỉnh Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh…

KTĐT – Sau thời gian nỗ lực điều tra dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm - Bộ Công an cùng sự hỗ trợ tích cực của công an các tỉnh Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh… đến nay Công an tỉnh Long An đã có đủ chứng cứ kết luận Đào Thị Ngừng và đồng bọn đã dùng thuốc gây mê để đầu độc người, gây ra 8 vụ cướp, trong đó có 3 nạn nhân tử vong.

Qua khám nghiệm hiện trường vụ đầu độc cướp tài sản tại chùa Bạch Long ngày 27/5/2009, Phòng Kỹ thuật hình sự, Đội CSĐT Công an huyện Châu Thành, tỉnh Long An phát hiện thu giữ một số mẫu nước màu trắng trong ca inox, trong chai nước khoáng hiệu Sumo, Aquafina; ly để cà phê sữa còn lại trong tủ lạnh, cùng nhiều dấu vết nghi vấn khác.

Kết quả giám định cho thấy chất lỏng trong ba chai nhựa đều chứa thành phần Bromazepan có tác dụng chống co giật, gây buồn ngủ. Đặc biệt dấu vân tay thu được tại hiện trường qua so sánh và đối chiếu là đường vân tay của Đào Thị Ngừng (còn có tên gọi khác là Điệp, Nguyễn Thị Hồng) có địa chỉ cư ngụ tại phường 2, quận 10, TP HCM. 

Cũng trong thời gian này, tại các tỉnh Tây Ninh, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang, Đắk Lắk…  cũng xảy ra những vụ việc tương tự. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã báo cáo đến Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an tại TP HCM để xin ý kiến chỉ đạo. Thiếu tướng Cao Minh Nhạn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an đã thống nhất giao nhiệm vụ cho Công an tỉnh Long An làm lực lượng chủ công, đồng thời chỉ đạo Công an các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang… phối hợp để truy tìm đối tượng gây án.

Tập hợp toàn bộ các vụ án cướp tài sản trong nhà chùa với những vụ đã xảy ra ở các tỉnh thời gian gần đây, thì hầu hết đều có chung một "kịch bản" là có một phụ nữ có hoàn cảnh éo le, buồn phiền gia đình tìm đến nơi thanh tịnh hoặc là một nữ tín đồ mộ đạo đến cúng dường, làm quen, xin ngủ lại chùa, sau đó bỏ thuốc gây mê vào thức uống để gây án…

Sau gần 5 tháng tập trung rà soát toàn bộ đối tượng cướp bằng thủ đoạn gây mê, đến trưa 18/10/2009, trinh sát Công an thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương phát hiện tại khu nhà trọ thuộc khu phố 2, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một có một phụ nữ có đặc điểm giống như nhân dạng đối tượng được mô tả, cần truy bắt. Công an thị xã Thủ Dầu Một đã thông báo cho Công an huyện Châu Thành, tỉnh Long An phối hợp phá án.

Sau khi lực lượng phối hợp tổ chức cho nạn nhân nhận dạng đối tượng và xác định đối tượng bị trinh sát phát hiện chính là Đào Thị Ngừng, đến 22h30’ cùng ngày, Công an thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Đào Thị Ngừng tại nhà số 10-16 đường Chùa Hội Khánh, khu phố 2, phường Phú Cường.

Qua khám xét lực lượng phối hợp đã phát hiện, thu giữ của Đào Thị Ngừng một số kim loại màu vàng, như dây chuyền, nhẫn, vòng đeo tay; 2 bịch Nest Café; 2 túi đựng nhiều loại tân dược không rõ nguồn gốc, sổ sách và nhiều giấy CMND mang tên người khác, nhưng dán ảnh của Đào Thị Ngừng. Ngày 19/10/2009, Đào Thị Ngừng được di lý về Công an tỉnh Long An để điều tra mở rộng án truy xét.

Theo lời khai của Đào Thị Ngừng tại cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An; tháng 9/2008, sau khi thi hành xong bản án 18 năm tù giam về các tội cướp tài sản, trốn trại, Đào Thị Ngừng về xã Tân Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương sinh sống. Không có nghề nghiệp ổn định nên thị đã trở lại con đường phạm tội.

Trung tuần tháng 11/2008, Đào Thị Ngừng mua 10 viên thuốc mê đến khu vực Tòa thánh Tây Ninh vào miếu bà Chúa Xứ xin nghỉ lại. Đêm đó, Đào Thị Ngừng đã pha ba ly cà phê sữa và đưa cho 3 phụ nữ, mỗi người 2 viên thuốc mê và nói là thuốc cho đẹp da. Không nghi ngờ gì, ba người phụ nữ trong miếu đã uống và… ngủ lúc nào không hay. Đào Thị Ngừng đã lục soát tư trang lấy 2,8 cây vàng 24K cùng 700.000đ rồi bỏ trốn. Đến đầu tháng 2/2009, Đào Thị Ngừng đến chùa Pháp Tam thuộc phường Phú Khương, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre để gây án.

Cũng với thủ đoạn cho 8 viên thuốc mê vào 2 ly nước dừa,  rồi mời sư trụ trì là Phạm Lệ Thủy cùng phật tử Phạm Thị Hồng uống. Khi hai người mê man, bất tỉnh, thị đã cướp 1 đôi bông tai vàng 18K, và 3,3 triệu đồng. Vụ đầu độc tuy được phát hiện sớm, nạn nhân được đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, nhưng sư trụ trì chùa Pháp Tam là Phạm Lệ Thủy đã tử vong do ngộ độc thuốc.

Sau khi thực hiện thêm 2 vụ cướp tài sản ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và thành phố Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk, Đào Thị Ngừng chuyển địa bàn xuống huyện Cái Bè - Tiền Giang để tiếp tục gây mê để cướp tài sản.

Tại Tiền Giang, "phù thủy" Đào Thị Ngừng không pha sẵn thuốc gây mê ra ly, mà cho luôn một lượt 20 viên thuốc ngủ vào bình nước để ba người trong chùa tự rót uống.

Đợi lúc mọi người ngấm thuốc, Đào Thị Ngừng mới cướp được 17,5 chỉ vàng 24K; 6 chỉ vàng 18K; 75.000đ tiền mặt, trong vụ này ông Nguyễn Văn Chơi - trụ trì chùa Quan Âm ở khu 1B, thị trấn Cái Bè chết vì ngộ độc.

Qua mở rộng điều tra truy xét, Công an tỉnh Long An phối hợp với Công an các tỉnh liên quan xác minh làm rõ 8 vụ dùng thuốc gây mê để cướp tài sản tại các chùa, đã góp phần ổn định tình hình ANTT trên địa bàn.

Vụ án nêu trên một lần nữa cảnh tỉnh đối với các chùa và hộ gia đình, cần thực hiện tốt quy định đăng ký tạm trú cho khách vãng lai cũng như thân nhân đến cư ngụ với chính quyền địa phương. Có như thế mới không để sơ hở cho bọn tội phạm lợi dụng gây án