Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh nghiệm xử lý tắc nghẽn giao thông

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tắc nghẽn giao thông là một trong những vấn đề nan giải nhất của các đô thị lớn trên thế giới. Chính quyền các đô thị này có những cách giải quyết khác nhau tuỳ thuộc vào đặc thù ở từng nơi.

Nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông được nhìn nhận gồm lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông quá lớn, có quá nhiều ô tô và người tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân, cũng như bất cập và yếu kém về cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho giao thông và quy hạch giao thông đô thị. Cho nên giải pháp được nhiều đô thị áp dụng là hạn chế sử dụng ô tô cá nhân, khuyến khích sử dụng xe đạp, phát triển mạng lưới giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện, tàu hỏa quanh đô thị hay xe điện ngầm.
 Một tuyến đường chính tại Singapore
Ở châu Âu, nhiều TP lớn thu hẹp số làn đường cho ô tô để mở rộng làn đường dành cho xe đạp, xe buýt, tàu điện và người đi bộ. Những TP như London, Syockholm, Milano hay Singapore vận dụng bảng biểu lệ phí cao đối với ô tô để hạn chế sử dụng ô tô trong đô thị. Nhiều TP ở Trung Quốc khống chế lượng phương tiện giao thông được cho phép lưu hành. Còn với Oslo và Copenhagen ưu tiên sử dụng xe đạp hơn hẳn ô tô bằng biện pháp tài chính và cơ sở hạ tầng. Talinn, Milano, Aubagne... áp dụng biện pháp sử dụng phương tiện giao thông công cộng miễn phí. Biện pháp này hiện đang được thử nghiệm ở Singapore và suy tính ở Đức.

Xây dựng mới và mở rộng, hiện đại hóa những tuyến đường xe điện ngầm là giải pháp được gần như tất cả các đô thị lớn tính đến và triển khai với mức độ tự động hóa hoàn toàn rất cao. Những TP lớn ở Mỹ Latinh như Curitiba, Bogota, Mexico City... coi trọng biện pháp làm làn đường riêng cho những phương tiện giao thông công cộng. Làm cáp treo để vận chuyển cũng là biện pháp đã được áp dụng ở Algier, Ankara, La Paz, Mexico City, Caracas, Rio de Janeiro, Medellin.... Seoul khơi lại sông đã bị lấp để tạo giao thông đường thủy và diện mạo mới cho đô thị. Ở nhiều TP mới được xây dựng của Trung Quốc, một nửa phần đường được dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp. Không theo mô hình chung cố định nhưng các biện pháp đều đưa lại kết quả tích cực.