Kinh tế Hà Nội nỗ lực vượt bão

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ chủ động triển khai các giải pháp cấp bách kiểm soát dịch Covid-19 và tập trung hỗ trợ DN, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng DN, kinh tế Thủ đô Hà Nội trong 8 tháng qua đã ghi nhận nhiều động thái phát triển và cả những khó khăn nảy sinh do giãn cách xã hội trên địa bàn Hà Nội từ ngày 24/7/2021 đến nay.

Sản xuất công nghiệp duy trì khá, vốn đầu tư tăng

Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành công nghiệp có chỉ số IIP đạt mức tăng cao, như: Sản xuất xe có động cơ tăng 21,6%; trang phục tăng 18,2%; đồ uống tăng 16,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 10,9%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,5%; sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8%. Chỉ số sử dụng lao động của các DN công nghiệp tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
 Sản xuất đồ điện tử tại  Công ty Sunhouse. Ảnh: Hải Linh
Hiện, TP có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng số 4.169 DN và cơ sở sản xuất, tổng số lao động khoảng 62.000 người; có 18 cụm công nghiệp tập trung, thu hút khoảng 1.500 DN có quy mô vừa và lớn; còn lại là cụm công nghiệp làng nghề với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các DN và hộ sản xuất cá thể. Hiện, hầu hết các DN đều nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó, có 1.077 DN quy mô lớn có Phương án phòng, chống dịch Covid-19 được TP phê duyệt.

Trong 8 tháng năm 2021, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 27,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 54% kế hoạch năm. Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện đạt 70,3% dự toán T.Ư giao (đạt 65,9% dự toán TP giao) và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2020; Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện đạt 37,0% dự toán và bằng 93% cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối tháng 8, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước tính tăng 9,2% và tổng dư nợ tín dụng tăng 8,3% so với thời điểm kết thúc năm 2020; Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 57,7 nghìn khách hàng, với dư nợ 74,9 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 178,1 nghìn khách hàng với dư nợ 254,2 nghìn tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi, với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 965,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 97,7 nghìn lượt khách hàng. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 841,8 triệu USD. Trong đó đăng ký cấp mới 243 dự án với số vốn đạt 157,3 triệu USD; 91 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 486,8 triệu USD...

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội tháng 8/2021 tăng 0,77% so với tháng trước. Tính chúng 8 tháng năm 2021 tăng 1,49% so cùng kỳ năm 2020, hứa hẹn Hà Nội sẽ góp phần cùng cả nước duy trì mức lạm phát theo mục tiêu chung cho cả năm 2021.

Sức mua thị trường giảm

So với cùng kỳ năm trước, số lượng DN đăng ký mới trên địa bàn Hà Nội giảm 7%, chỉ đạt 16,6 nghìn DN với vốn đăng ký giảm 7%. Số DN thực hiện thủ tục giải thể là 2,2 nghìn, tăng 36%; ngoài ra, có 9,3 nghìn DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 19%.
Tuy nhiên, trên địa bàn cũng có tới 7,4 nghìn DN hoạt động trở lại, tăng 72%. Các DN dịch vụ, nhất là du lịch và vận tải tiếp tục gặp khó: 8 tháng năm 2021, số lượt hành khách vận chuyển giảm 2,3%; số lượt hành khách/km luân chuyển giảm 17,2%; doanh thu giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 0,9%; khối lượng hàng hóa luân chuyển tấn/km tăng 0,1%; doanh thu tăng 0,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 349,5 nghìn tỷ đồng, giảm 6,3%.
Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 9.785 triệu USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5.476 triệu USD, giảm 15,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4.309 triệu USD, tăng 13,3%. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 22,5 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 17,6 tỷ USD, tăng 22,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4,9 tỷ USD, tăng 17,7%. Cân đối nhập siêu tới gần 13 tỷ USD.

Triển vọng kinh tế cả năm 2021

Xác định những tháng cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn, UBND TP Hà Nội đã dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2021.
Cụ thể: Kịch bản 1 (kịch bản điều hành): Tăng trưởng Quý III đạt 8,59%, Quý IV đạt 9,12% và dự báo cả năm đạt 7,5%. Kịch bản 2: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quý III mới kiểm soát được dịch, các ngành dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, phục hồi chậm. GRDP cả năm 2021 dự kiến đạt 6,5 - 7,0%. Trong bối cảnh kinh tế cả nước năm 2021 có thể chỉ tăng 4,8% GDP như dự báo mới nhất của WB (trong Báo cáo điểm lại tháng 8/2021 "Việt Nam số hóa: Con đường đến tương lai, tức thấp hơn 2% so với dự báo đưa ra vào tháng 12/2020), thì đây là những kịch bản thể hiện nỗ lực và trách nhiệm cao của TP Hà Nội trong đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2021. Trong đó tập trung vào các dự án, công trình giao thông trọng điểm; các cụm công nghiệp theo kế hoạch, vừa siết chặt phòng dịch...